Đau đầu vì bài toán Bảo tồn di sản và phát triển

Cập nhật: 20/05/2013
Lại “nóng” bài toán bảo tồn di sản và phát triển những ngày này. Nếu không có một chiến lược bảo tồn di sản cũng như quy hoạch phát triển đồng bộ thì giữa bảo tồn và phát triển sẽ cứ mãi vênh nhau.

Vấn đề đáng suy nghĩ là những câu chuyện này xảy ra ở ngay giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Sau tranh luận nảy lửa về bảo tồn Đàn Xã Tắc hay sẽ xây cầu vượt lên trên là chuyện trụ trì chùa Diên Hựu- Một Cột buộc phải ra “tối hậu thư” sẽ tự hạ giải để trùng tu chùa nếu cơ quan chức năng còn chậm trễ. Đỉnh điểm của vấn đề này là vụ việc một số người dân làng cổ Đường Lâm làm đơn kiến nghị trả lại danh hiệu Di tích quốc gia cho Nhà nước. Đây là những giọt nước tràn ly của một thực tế, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đang “vênh” với bài toán phát triển kinh tế đã bộc lộ trong nhiều năm qua.

Mâu thuẫn vì sao?

Vụ tranh luận về việc làm cầu vượt trên Đàn Xã Tắc vẫn chưa ngã ngũ khi đông đảo ý kiến của các nhà khoa học khảo cổ mong muốn giữ lại di tích này. Tuy nhiên, cũng không thể không nhìn vào thực tế, nếu không có quy hoạch, ngã ba Ô Chợ Dừa sẽ ngày càng trở thành điểm nóng về ùn tắc giao thông. Việc thiếu tầm nhìn trong quy hoạch đô thị một lần nữa lại bộc lộ. Ông Phan Đăng Long- Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy khẳng định quan điểm của thành phố "bảo tồn Đàn Xã Tắc hay bất kỳ di sản nào cũng phải tuân thủ theo luật”. Nhưng ông Long cũng đã thiên về việc xây cầu khi cân nhắc vấn đề cân đối giữa bảo tồn và phát triển: “Bảo tồn phải phục vụ cho mục đích phát triển. Bảo tồn sẽ không có giá trị nếu không phục vụ mục đích phát triển”.

Những mái nhà ở làng cổ

Quan điểm giữa người làm di sản là bảo tồn, quan điểm của người làm kinh tế là phát triển. Khi hai bên chưa ngồi lại với nhau thì vẫn sẽ còn nhiều bàn cãi. Bởi vậy, dự án cầu vượt Đàn Xã Tắc hiện cũng có nhiều phương án nhưng chưa có được phương án nào tối ưu. Tới đây, Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học để có được phương án tối ưu, vừa kết hợp được phương án bảo tồn di sản lại vừa đảm bảo cho mục đích phát triển của thành phố. Hy vọng khi đó, hai “con đường” bảo tồn Đàn Xã Tắc và phát triển đô thị phục vụ dân sinh sẽ gặp nhau.

Nếu nhìn lại trong quá khứ, ta sẽ thấy rằng câu chuyện Đàn Xã Tắc hay Đường Lâm không phải là những trường hợp hiếm liên quan đến bài toán bảo tồn và phát triển.

Một thời, khu di tích Mỹ Sơn từng bị người dân thả trâu bò vào ăn cỏ, nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất vào khai hoang trồng lúa nước và các loạt hoa màu. Nhiều hộ thì vào dựng nhà, mở quan kinh doanh tự phát. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, khi chính quyền huyện Duy Xuyên triển khai nhiều hành động nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống của cộng đồng nhân dân và khai thác tiềm năng, giá trị về du lịch- dịch vụ của di sản đối với sự phát triển của kinh tế- xã hội của địa phương thì tình trạng xâm phạm di tích đã giảm hẳn. Giải pháp của huyện này là đề xuất với tỉnh Quảng Nam cho trích 5% tổng giá trị nguồn thu từ bán vé tham quan Mỹ Sơn hằng năm cho xã Duy Phú để đầu tư cơ sở hạ tầng và chăm lo cải thiện dân sinh nhằm chia sẻ lợi ích mà nhân dân địa phương chưa được hưởng.

Câu chuyện ở Mỹ Sơn có thể xem là bài học cho Đường Lâm. Một số người dân tại di tích làng cổ ở Đường Lâm không được đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống ngay trong chính ngôi nhà của mình. Vấn đề là, những người dân này phải sống khổ sở, chật vật trong lòng di sản. 3-4 cặp vợ chồng sống chung căn nhà cấp 4 chưa đến 50m2 hay 4 thế hệ cùng một căn nhà diện tích tương tự, nhưng những lợi ích thu được từ việc bán vé tham quan làng họ chưa từng được hưởng. Trong khi đó, theo như ông Phạm Hùng Sơn- Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm- đơn vị lập 3 chốt với hàng chục nhân viên thu vé tham quan làng cổ ở cả ba phía vào làng cho biết: 5 tháng đầu năm 2013 đã có hơn 10 vạn vé tham quan làng được bán ra. Như vậy, với giá 20.000 đồng/vé, số tiền mà làng cổ Đường Lâm đem lại cho Ban quản lý này lên đến hơn 2 tỷ đồng chỉ trong chưa đầy nửa năm.

Cần định hướng phát triển!

Trong thực tế, nhiều di sản đã đem lại nguồn lợi cho người dân. Là một di sản sống tương tự như làng cổ Đường Lâm, phố cổ Hội An đã đem lại đời sống sung túc cho nhiều hộ dân nơi đây. Ông Đinh Hài- Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi xác định phát triển du lịch phải gắn với việc tạo điều kiện cho người dân có được nguồn lợi. Người dân được thông qua cộng đồng, tổ chức, cá nhân để làm du lịch. Trong khu phố cổ, người dân được dùng nhà của mình để làm địa điểm mua bán vật lưu niệm, tổ chức các nhà hàng, các hoạt động kinh doanh khác phù hợp với bảo về và phát triển di tích”.

Sống giữa làng cổ ở Thủ đô, người dân Đường Lâm vẫn không khác ở những vùng nghèo khó

Còn nhớ, cách đây không lâu, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã từng đánh tiếng  trả lại danh hiệu, khi tỉnh này cho phép xây dựng quá nhiều công trình kiên cố dọc bờ biển danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang và gặp phải sự phản đối của nhân dân cũng như dư luận. Tất nhiên, ý định (mới chỉ là ý định) này của Khánh Hòa không thể trở thành hiện thực (không có đơn chính thức như 78 người dân Đường Lâm), bởi dù sao nỗi bức xúc của họ cũng không phải là nỗi bức xúc cá nhân, liên quan đến đời sống sinh hoạt thiết thân hằng ngày. Với trường hợp làng cổ Đường Lâm, cũng sẽ không có việc rút danh hiệu vì thậm chí các cơ quan chức năng còn đang xúc tiến làm hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt và xa hơn là hồ sơ công nhận di sản thế giới. Song chính sự việc này cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các đơn vị chức năng về việc bảo tồn và phát triển di sản trong cuộc sống hiện đại.

GS Lưu Trần Tiêu- Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam chia sẻ: “Mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế đã được nói đến nhiều. Giải quyết vấn đề này thì cần chính sách bảo vệ di tích song hành với việc chăm lo cho đời sống của dân cư tại điểm di tích. Làm thế nào việc bảo tồn di sản đảm bảo giá trị của nó và làm sao để người dân sống được với di sản là vấn đề cần một định hướng, một chiến lược quy hoạch mà các địa phương phải nghiên cứu”.

Bảo tồn di sản làm sao để góp phần chăm lo đời sống cho người dân tại vùng có di sản được nhắc đến thường xuyên từ hàng chục năm nay, nhưng những điểm người dân được hưởng lợi từ di sản không nhiều. Những mâu thuẫn này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền. Tuy nhiên, các cơ quan chính quyền lại tỏ ra chậm trễ trong việc giải quyết vấn đề này. Sau sự việc làng cổ Đường Lâm, chùa Một Cột, Thành ủy Hà Nội thừa nhận có phần trách nhiệm trong việc chậm giải quyết những bức xúc chính đáng của người dân, một phần lỗi thuộc về các cơ quan chức năng đã chậm trễ, thiếu quan tâm.

Bảo tồn và phát triển luôn là câu chuyện nan giải. Và đáp số duy nhất của bài toán này nằm trong tay các nhà quản lý. Khi mà thực tế chúng ta vẫn chứng kiến, danh hiệu đã được trao nhưng quy hoạch sau 10 năm vẫn chưa có, khi mà làm đường rồi mới lại đào đường lên làm điện, làm nước thì xem ra, vấn đề này sẽ còn lâu mới được giải quyết thỏa đáng./.

Bài&ảnh: Dạ Minh

Nguồn: : toquoc.vn