Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau: Nối tiếp những niềm vui

Cập nhật: 27/05/2013
Nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào tháng 5/2009, Vườn Quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau là nơi tập trung hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên có giá trị rất cao về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hoá và lịch sử; và còn là Khu bảo tồn động vật thiên nhiên hoang dã, có giá trị lớn về nghiên cứu khoa học. Mới đây, VQG được công nhận là Khu Ramsar thế giới - Mũi Cà Mau.

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được thành lập vào năm 2003, khi Khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi được chuyển thành VQG trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Vườn nằm trên địa bàn 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Đây là điểm cực Nam nơi có cột mốc cuối cùng của Việt Nam trên đất liền, có tổng diện tích tự nhiên là 41.862 ha, trong đó diện tích phần trên đất liền là 15.262 ha, diện tích phần ven biển là 26.600 ha.

 

Một địa chỉ xanh

 

VQG Mũi Cà Mau là một trong những điểm quan trọng thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học của nước ta, nơi nghiên cứu về các loài chim nước ven biển của Việt Nam và châu Á - Thái Bình Dương. Tầm quan trọng của VQG Mũi Cà Mau trong việc bảo tồn các loài chim ven biển di cư đã được tổ chức Birdlife quốc tế khẳng định với sự công nhận hai vùng chim quan trọng ở đây là Bãi bồi và Đất Mũi.

Năm 2007, trong chuyến khảo sát nghiên cứu ban đầu về đa dạng sinh học VQG Mũi Cà Mau, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) đã thu thập, phát hiện được nhiều loài động, thực vật có trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Qua điều tra, khảo sát, VQG có 93 loài thực vật thuộc 38 họ (trong đó chủ yếu là đước); có 28 loài thú thuộc 13 họ; 6 loài lưỡng cư thuộc 4 họ và 34 loài bò sát thuộc 14 họ. Nhiều loài bò sát ở VQG Mũi Cà Mau được ghi trong Sách Đỏ của Việt Nam và Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN). Ngoài ra, khu vực này còn có 74 loài chim thuộc 23 họ, trong đó có 28 loài chim di trú và nhiều loài quý hiếm.

VQG đã tận dụng “thương hiệu” Khu dự trữ sinh quyển để phát triển khu du lịch sinh thái gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, nhất là các xã nghèo ở vùng sâu, vùng xa như: du lịch nghiên cứu khoa học; tham quan khu nuôi thú rừng; vui chơi, giải trí tại Khu du lịch Công viên Văn hoá Đất Mũi và khu dịch vụ tại trụ sở VQG.

Nhiều năm qua, việc đầu tư khai thác nhiều loại hình, đa dạng dịch vụ phục vụ du lịch đã tạo nên nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Theo đó, các dự án đầu tư phát triển bảo tồn, nghiên cứu khoa học để kêu gọi đầu tư và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế cũng được chú trọng thực hiện.

 

Cơ hội và thách thức

 

Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, rồi được công nhận là khu Ramsar thứ 5 vủa Việt Nam, Mũi Cà Mau đã khẳng định vị thế trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập nước, bảo tồn các giá trị nhân văn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cũng như tăng thêm sức hấp dẫn đối với du khách gần xa đến tham quan.

Thời gian qua, VQG Mũi Cà Mau đã và đang triển khai thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ bảo tồn các loài chim ở khu vực vườn là 1 trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, nhất là một số loài chim quý trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Giám đốc VQG Mũi Cà Mau Trần Quốc Tuấn cho biết, vườn nghiêm cấm tác động khai thác khu vực này để bảo đảm môi trường sinh sống và làm tổ đẻ trứng, phát triển bầy đàn của các loài chim trên cơ sở tuần tra, kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn và xử lý đối tượng săn bắt.

Đồng thời, tổ chức tập huấn, truyền thông trong cộng đồng xã hội, nhất là cư dân sinh sống khu vực Mũi Cà Mau hiểu rõ giá trị to lớn và tầm quan trọng đặc biệt của đa dạng sinh học, bảo tồn những loài chim quý, cảnh báo những loài trước nguy cơ bị mất đi, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ, ứng xử thân thiện với môi trường của con người.

Bên cạnh đó, vườn xây dựng "cơ chế đồng quản lý, quản lý dựa vào cộng đồng" trên cơ sở nâng cao năng lực cán bộ của đơn vị và các địa phương trên địa bàn về bảo tồn động vật, thực vật, quản lý tài nguyên, môi trường, tạo việc làm ổn định, cải thiện đời sống cho cư dân, nhằm giảm áp lực, tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; đồng thời phối hợp với các viện nghiên cứu khoa học, trường đại học, tổ chức quốc tế xây dựng những đề án về nghiên cứu đa dạng sinh học ở vùng này, đặc biệt là các giải pháp hữu hiệu bảo vệ, bảo tồn các loài chim quý hiếm.

 “Việc được công nhận khu Ramsar sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho VQG Mũi Cà Mau trong việc đầu tư bảo tồn, gìn giữ những giá trị di sản thiên nhiên đặc sắc và phát triển du lịch bền vững trong tương lai. Vườn sẽ cố gắng phát huy và tận dụng những lợi thế đó trong thời gian tới”, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc VQG Mũi Cà Mau, nhận định./.

Băng Thanh