UNESCO đem ý tưởng mới đến di sản cũ

Cập nhật: 21/06/2013
Trong 10 năm qua, tại Việt Nam có 16 di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, trong đó có 7 di tích văn hóa, lịch sử.

Để một di sản được công nhận phải mất rất nhiều nămxây dựng hồ sơ và chứng minh giá trị của di sản. Cùng với tôn vinh di sản, việc bảo tồn và khai thác giá trị của di sản đó phục vụ đời sống hiện đại, đem lại nguồn lợi phát triển cho địa phương sở hữu di sản vẫn là bài toán khó.

Du lịch tham quan di sản tuy đưa khách về với quá khứ nhưng đòi hỏi con người thực hiện với tư duy mới. Điều này thể hiện rất rõ khi quan sát một số hoạt động tại Tuần lễ Văn hóa và Phát triển UNESCO 2013 tại Hội An, những ý tưởng mới của UNESCO đã được một địa phương sở hữu di sản nắm bắt cơ hội và dốc toàn lực để thực hiện.

Tại Tuần lễ Văn hóa và Phát triển UNESCO 2013 diễn ra ở Hội An vào trung tuần tháng 6, Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova, đã ghé thăm Hội An và phát biểu: "UNESCO rất trân trọng mối quan hệ hợp tác với các đơn vị của tỉnh Quảng Nam trong những năm vừa qua. Các bạn rất cởi mở với các ý tưởng mới, luôn sẵn sàng thử nghiệm các lĩnh vực mới và cam kết trách nhiệm trước những cấp độ phát triển mới, lấy con người làm trung tâm. Các bạn đã giúp UNESCO phát triển các ý tưởng và công cụ cũng như cụ thể hóa các ý tưởng và công cụ đó cho phù hợp với bối cảnh của địa phương".

Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã rất kỳ vọng những hoạt động của Tuần lễ Văn hóa và Phát triển UNESCO 2013 chia sẻ với du khách và lãnh đạo các địa phương có di sản tại Việt Nam những chương trình hành động thiết thực để bảo vệ di sản văn hóa. Hãy xem sự hợp tác đó lý thú và mang tính thực tiễn đến đâu?

UNESCO đã hỗ trợ lập tại Hội An một trung tâm thông tin du khách đa chức năng với thiết kế sáng tạo và phù hợp về văn hóa thay cho một điểm bán vé tham quan tẻ nhạt, đào tạo nhân viên cũng như xây dựng cơ chế hoạt động tiếp cận du khách.

Đây là điểm cho thấy hướng tiếp cận di sản mới, trong đó các nhà tài trợ quốc tế hợp tác nguồn lực để hỗ trợ các nhu cầu thật sự của địa phương. UNESCO đã kết nối nguồn tài trợ của Chính phủ Ý phục vụ trùng tu trong 14 năm và nay mở cửa tháp G, một tháp Chăm có giá trị về kiến trúc trong khu vực Thánh địa Mỹ Sơn.

Bốn năm trở lại đây, các hỗ trợ của UNESCO tập trung tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương thông qua mô hình phát triển các làng nghề truyền thống làm dịch vụ du lịch, nâng cao năng lực cho các ban quản lý Mỹ Sơn, Hội An và Cù lao Chàm, bảo tồn các di sản trong tỉnh, phát triển các hệ thống thuyết minh diễn giải tại di sản, hoàn thiện kế hoạch quản lý du khách, làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách và khuyến khích họ đóng góp vào công tác bảo vệ di sản.

Đối với nhiều di sản văn hóa UNESCO công nhận nhưng còn lúng túng sẽ tồn tại và phát triển ra sao trong tương lai? Bà Katherine Marine Muller, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, phân tích, các dự án làm du lịch di sản phải đảm bảo việc cộng đồng địa phương tham gia và hưởng lợi từ phát triển du lịch.

Làm sao khai thác di sản nhưng vẫn bảo vệ được các phong tục tập quán của vùng đất ấy cũng như sinh kế của người dân, qua đó góp phần bảo vệ hệ động thực vật, hệ sinh thái của khu di sản.

Nếu không thận trọng, sẽ bóp méo di sản để thỏa mãn du lịch. Tình trạng la liệt rác rưởi, hàng quán sẽ làm du khách chán nản.

Ngược lại, nếu trong quá trình bảo tồn, đưa hết dân ra khỏi phố cổ Hội An hay phố cổ Hà Nội thì mối quan tâm với di sản của du khách sẽ giảm xuống.

Vì thế, nếu thay đổi quá nhiều, sẽ làm mất giá trị công nhận của UNESCO, mất đi cái nhìn trong mắt du khách đối với di sản. Chúng ta cần tính đến trách nhiệm với di sản bằng cách lấy con người và văn hóa làm trung tâm của phát triển.

Những di sản văn hóa, đặc biệt là những di tích, đều đang cần những ý tưởng mới để bảo vệ, và trước hết cần có con người sẵn sàng thử nghiệm lĩnh vực mới.

Những Đường Lâm, phố cổ Hà Nội, Chợ Lớn TP.HCM, phố Hiến, các di tích tháp Chăm ở Bình Định, Ninh Thuận, tất cả đều đang chờ đợi được bảo tồn đúng cách, và hầu như đều chưa tìm ra lời giải sẽ tồn tại thế nào trong tương lai bởi sức ép của phát triển đô thị hoặc du lịch không bền vững là rất lớn.

Nguồn: doanhnhansaigon.vn