Không để ''du lịch đen'' tiếp tục hoành hành

Cập nhật: 02/07/2013
Du lịch Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế của khu vực và thế giới, nay lại phải đối mặt với những hiểm họa từ chính bên trong các doanh nghiệp làm du lịch.

Du khách Việt Nam bị Công ty Travel Life "bỏ rơi" tại sân bay của Thái-lan.

 

Sự cảnh báo về nạn "du lịch đen" vốn tồn tại từ rất lâu nhưng phải đến khi vụ hơn 700 khách du lịch Việt Nam bị "đày" ở Thái-lan mới làm vỡ chiếc bong bóng nghi hoặc vốn đã tiềm ẩn trong nội bộ ngành lữ hành. Ðã đến lúc cần có sự chung tay kịp thời và nghiêm túc của các cấp quản lý cùng người dân để chấm dứt tình trạng nói trên.

 

Thực chất, "du lịch đen" là cách gọi về những hình thức làm du lịch lừa đảo, mang tính chất chộp giật hoặc thiếu kinh nghiệm, dẫn đến thiệt hại rất lớn cả về vật chất và tinh thần đối với du khách của không ít đơn vị làm lữ hành. Với những trường hợp này, người bỏ tiền ra để đi du lịch nghiễm nhiên rơi vào vòng xoáy của vô vàn những vấn đề khuất tất chung quanh những nhà kinh doanh lữ hành "đen" nhằm tìm kiếm lợi nhuận "ăn xổi" và không nề hà bất cứ "chiêu trò" gì để đạt được lợi nhuận lớn nhất, bất chấp hậu quả. Ngô Thiện, một du khách của Hà Nội và cũng từng là nạn nhân của "du lịch đen" than thở: "Bọn mình thấy tua Ðà Nẵng - Hội An - Huế 4 ngày 3 đêm của Công ty RT rẻ cho nên đã đến thẳng đại diện của họ ở Hà Nội để mua. Lịch khởi hành của mình đã có sẵn nhưng đến sát ngày đi liên hệ với RT mới biết họ không gom đủ khách cho nên hủy tua mà chẳng báo trước. Bọn mình đến đòi tiền thì họ bảo chờ kế toán công ty chuyển tiền ra. Sau đó một tháng vẫn không có hồi âm, gọi điện vào văn phòng TP Hồ Chí Minh thì số máy ngừng hoạt động".

 

Câu chuyện nêu trên chỉ là một dấu chấm nhỏ trong điểm đen du lịch vốn đã tồn tại từ rất lâu mà chưa được giải quyết. Ðiển hình là sự việc của Travel Life khi không thể chi trả vì bán tua quá rẻ cho khách hàng dẫn đến sự việc bỏ rơi hơn 700 khách bơ vơ ở Thái-lan. Sự việc vỡ lở đã thật sự khiến những lo lắng trước đây hiển hiện và buộc tất cả những nhà quản lý du lịch cũng như giới kinh doanh lữ hành phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc.

 

Hiện nay, số lượng các công ty du lịch cả trong nước lẫn nước ngoài đều đang tăng chóng mặt với hơn 1.000 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 10 nghìn doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong nước. Nếu như Pháp lệnh Du lịch năm 2001 quy định những đơn vị lữ hành trong nước và quốc tế phải lần lượt góp quỹ số tiền 50 triệu đồng và 250 triệu đồng để niêm phong ở ngân hàng như một mức bảo hiểm cho những rủi ro xảy ra trong quá trình du lịch thì khi Luật Du lịch có hiệu lực năm 2006 đã giảm bỏ phần tiền phải đóng của các đơn vị lữ hành trong nước. Ðiều này có nghĩa: ngoài những lợi ích thúc đẩy du lịch lữ hành phát triển lại kèm theo sự bùng nổ ồ ạt của các đơn vị du lịch trong nước gây ra tình trạng "đông nên kiểm không xuể" như hiện nay.

 

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Anh Tuấn: "Trong thời đại in-tơ-nét bây giờ thì chi phí để tổ chức một đơn vị kinh doanh lữ hành rất dễ dàng. Ðôi khi chỉ cần vài ba nhân viên và đôi chiếc máy tính nối mạng đã đủ để họ có thể lập tua đưa khách du lịch. Chiêu trò của các công ty du lịch "đen" hiện nay thì nhiều vô kể xiết. Công ty này giả mạo website của doanh nghiệp có uy tín kia bằng cách lừa khách hàng bằng kỹ xảo mạng. Ðáng báo động hơn nữa là tình trạng núp bóng bằng việc trở thành chân rết của những công ty lớn hơn để trốn thuế, dẫn đến có những địa phương, một doanh nghiệp du lịch tồn tại tới hơn 20 chi nhánh trong cùng một thành phố. Vậy liệu các chi nhánh này có hoạt động phụ thuộc hay tự thu tự chi, tự hạch toán?".

 

Chính sự phát triển lộn xộn và tăng về số lượng với tốc độ chóng mặt đã dẫn đến hình thành nên một môi trường du lịch lữ hành lộn xộn một cách báo động. Ðại diện một đơn vị lữ hành giấu tên ở Hà Nội cho biết: "Người trong ngành lữ hành lâu nay vốn biết rõ kiểu kinh doanh đưa khách đi tua quốc tế mà không có giấy phép vẫn tồn tại nhưng không bị kiểm tra, xử lý nên họ vẫn ngang nhiên tổ chức". Travel Life chính là một trong những thí dụ đó và liệu còn bao nhiêu doanh nghiệp khác đang làm dịch vụ "ma" như trên? Vấn đề nảy sinh là vì sao không có giấy phép mà các đơn vị trên vẫn có thể "làm ăn trót lọt"?

 

Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Lực lượng thanh tra của Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như ở các sở địa phương có hạn trong khi số lượng các doanh nghiệp du lịch thì ngày càng tăng nên rất khó kiểm soát. Chưa kể đến sự thiếu đồng bộ trong khâu quản lý của các cơ quan cấp giấy phép kinh doanh và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương dẫn đến việc không kiểm soát được. Thậm chí doanh nghiệp kinh doanh thế nào hoặc ngừng kinh doanh rồi, các cơ quan quản lý cũng không biết (!)". Cũng theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Anh Tuấn: "Cần có những điều chỉnh cơ bản và toàn diện hơn về Luật Du lịch nhằm phù hợp thực tế hiện tại bao gồm chuyên môn hóa các cơ quan chức năng của Tổng cục Du lịch về cả quy mô lẫn chất lượng nhân lực cũng như kiểm soát chặt chẽ việc thành lập các doanh nghiệp du lịch bên cạnh rà soát, tổ chức thanh tra kịp thời các hệ thống đơn vị lữ hành với quy mô trên toàn quốc".

 

 Nhìn ở góc độ khác, người mua sản phẩm du lịch - khách hàng cũng cần tỉnh táo hơn trong việc tham gia du lịch. Nên bỏ tâm lý chuộng giá rẻ mà không quan tâm chất lượng dịch vụ. Ngành du lịch nói cho cùng vẫn là ngành kinh doanh dịch vụ, là tổng hợp nhiều hoạt động dịch vụ lại với nhau tạo thành một sản phẩm. Vậy nên giá rẻ nghĩa là dịch vụ kèm theo sẽ kém chất lượng. Cuối cùng thì người thiệt thòi vẫn là người đi du lịch. Thời kỳ cao điểm sẽ là thời kỳ mà rất nhiều các công ty du lịch mời chào khách hàng với mức giá rẻ chóng mặt nhưng đó là con dao hai lưỡi. Chính vì vậy, khách hàng cần cẩn trọng tìm hiểu để có thông tin đầy đủ, chính xác về những doanh nghiệp du lịch đáng tin cậy. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương cần có thống kê về những đơn vị lữ hành có độ tín nhiệm cao cũng như cảnh báo các công ty có dấu hiệu lừa đảo trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ðây là cách tốt nhất để người dân có thể tiếp cận dễ dàng và tránh rơi vào những tình huống "khóc dở mếu dở" do bị lừa.

 

Có thể nói hiện nay, ngành du lịch đang có bước tiến lớn trong quá trình phát triển sau 20 năm và hoàn toàn có thể trở thành nền kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho các vùng khó khăn, nhưng vấn đề yếu kém nhất hiện nay là môi trường du lịch, nhất là hệ thống doanh nghiệp lữ hành cần được tái tổ chức và quản lý nếu không muốn "gãy mất" cây cầu dẫn đến khách du lịch. Thậm chí, việc tách riêng để xây dựng lại các Sở Du lịch ở các địa phương trọng điểm nhằm tăng tính chuyên trách chặt chẽ hơn theo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng đề cập cũng là một phương án có thể khả thi trên thực tế. Chỉ khi giao trách nhiệm cho một đơn vị chuyên môn hóa thì nếu xảy ra sai sót, đơn vị và người đứng đầu đơn vị đó sẽ phải tự chịu trách nhiệm, tránh sự trốn tránh trách nhiệm của một vài cơ quan quản lý chủ quản từ cấp cao đến địa phương như hiện nay.

Nguồn: nhandan.com.vn