Cải thiện môi trường du lịch Những việc cần làm ngay

Cập nhật: 17/07/2013
Thời gian qua, ngành du lịch cả nước bỗng “nóng” lên khi các hành vi lừa đảo, chèn ép, gian lận cước taxi, bán hàng rong, ăn xin, đánh giày chèo kéo, đeo bám du khách (nhất là khách quốc tế) diễn ra dồn dập, ngày càng trắng trợn, xâm hại nghiêm trọng tính mạng, tài sản của du khách và xuất hiện ở khắp các địa bàn du lịch trọng điểm. Những hệ lụy từ sự phát triển ấy đã trở thành “vấn nạn”, không chỉ của riêng ngành du lịch.

Ruộng bậc thang giữa đại ngàn Pù Luông.

 

Với tiềm năng, lợi thế của mình, Thanh Hóa đang ra sức xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch, nhằm hướng đến mục tiêu sớm trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia. Tuy nhiên, chặng đường cán đích còn không ít trở ngại khi môi trường du lịch chưa được cải thiện đáng kể. Gần chục năm trở lại đây, sự tăng trưởng của các chỉ số phát triển ngành (đặc biệt là doanh thu và lượng khách) đã phản ánh sự chuyển động không ngừng và theo hướng tích cực của du lịch Thanh Hóa. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian ấy, những tồn tại, yếu kém, mặc dù đã có nhiều giải pháp khắc phục, song hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Đó là chất lượng quy hoạch du lịch chưa cao, công tác quản lý Nhà nước về du lịch còn nhiều bất cập, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng, công tác xúc tiến, quảng bá chưa chuyên nghiệp, chất lượng nguồn lao động thấp, văn hóa du lịch chưa trở thành nếp sống, nếp nghĩ của cộng đồng làm du lịch... Các yếu tố này có thể xem là phần chìm của tảng băng, bên cạnh phần nổi là hiện tượng “chặt chém”, đeo bám du khách, thái độ phục vụ, ứng xử yếu kém... vẫn thường xuyên tái diễn, nhất là tại đô thị du lịch Sầm Sơn. Tất cả đã và đang khiến cho môi trường du lịch Thanh Hóa chưa thật sự “sạch”.

 

Ngành chức năng có thể nhìn nhận thực trạng trên dưới nhiều góc độ, với nhiều nguyên nhân. Song không thể phủ nhận cái yếu tố chủ quan, có phần quyết định là sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, với việc kiểm tra, xử lý chưa nghiêm đã dung túng cho tình trạng ép giá, ép khách, đeo bám, ăn xin. Bên cạnh đó là tính mùa vụ của du lịch chưa được khắc phục;  ý thức thực hành pháp luật của người dân, nhất là việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa cao;  đạo đức nghề nghiệp của các doanh nghiệp du lịch chưa được coi trọng; là do “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”, bởi trong sự phát triển của du lịch có trách nhiệm của nhiều ngành, song sự phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ; do sự quá tải, cầu vượt cung mỗi khi du lịch vào đợt cao điểm, dẫn đến hiện tượng tăng giá các dịch vụ vận chuyển, ăn nghỉ. Ngoài ra, ngành chức năng địa phương mới chỉ dừng lại ở việc thống kê số lượng mà chưa có tổng kết, đánh giá về chất lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (trung tâm vui chơi giải trí, nhà hàng, công ty lữ hành, làng nghề, hàng lưu niệm...) đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách; hoặc có đánh giá (số lượng cơ sở lưu trú đạt chuẩn phục vụ du lịch) nhưng thông tin không được công bố rộng rãi, nhằm mang đến cho du khách nhiều sự lựa chọn. Điều này cũng phản ánh một phần sự bất cập về chất lượng dịch vụ du lịch ở tỉnh ta hiện nay.

 

Tại hội nghị trực tuyến bàn về cải thiện môi trường du lịch Việt Nam diễn ra đầu tháng 6 vừa qua, nhấn mạnh đến các giải pháp của Thanh Hóa nhằm cải thiện môi trường du lịch, đồng chí Vương Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Về trước mắt, Thanh Hóa sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra liên ngành đối với tất cả các khu, điểm du lịch trên địa bàn; duy trì và áp dụng biện pháp mạnh để xử lý các hiện tượng tiêu cực phát sinh; thiết lập các đường dây nóng để người dân và du khách phản ánh tình hình; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của kinh tế du lịch; thành lập các đội an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch...

 

Là đô thị du lịch trọng điểm của tỉnh, hệ lụy từ sự phát triển thiếu bền vững của Sầm Sơn đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường du lịch Thanh Hóa. Chính vì vậy, giải quyết cho được những “vấn nạn” đã làm xấu đi hình ảnh Sầm Sơn là nhiệm vụ cần làm ngay. Ngày 29-5-2013, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3771/UBND-KTTC về việc “Chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp, thực hiện văn minh du lịch Sầm Sơn”, đồng thời chỉ đạo lấy năm 2013 là “Năm chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp, thực hiện văn minh du lịch”. Bằng các giải pháp tổng thể và quyết liệt, cùng sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, đến nay những hiện tượng tiêu cực của du lịch Sầm Sơn cơ bản được kiểm soát, môi trường cảnh quan và môi trường xã hội có bước cải thiện đáng kể.

 

Những kết quả bước đầu đạt được từ Sầm Sơn có thể tạo tiền đề để Thanh Hóa phát động “chiến dịch làm sạch môi trường du lịch”. Song, dù bằng giải pháp gì đi nữa thì cái nút thắt lớn nhất phải tháo cho được là tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân tại các khu, điểm du lịch. Có như vậy tình trạng ép giá, ép khách, chèo kéo, đeo bám, bán hàng rong, ăn mày, ăn xin mới được giải quyết triệt để. Những bất cập trong lĩnh vực du lịch vốn là vấn đề xã hội, cho nên cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cùng sự cộng đồng trách nhiệm của nhiều cấp, ngành và người dân. Điều này dẫu nhiều người biết, song hiện nay nó vẫn chỉ là khẩu hiệu hay một giải pháp đề ra còn “mới” nguyên trên giấy. Tiềm năng, lợi thế là điều kiện cần, còn điều kiện đủ cho du lịch phát triển là hệ thống cơ sở hạ tầng, là sự liên kết tổng thể giữa các loại hình dịch vụ, là xây dựng được văn hóa du lịch... Cho nên, bên cạnh việc giải quyết phần nổi của tảng băng - chống các biểu hiện tiêu cực - phải đồng thời xây được những nền tảng cơ bản cho du lịch phát triển – giải quyết phần chìm của tảng băng.

 

Bài và ảnh: Bảo Nguyên

Nguồn: baothanhhoa.vn