Du lịch có trách nhiệm

Cập nhật: 22/07/2013
Hiểu một cách khái quát, "du lịch có trách nhiệm" là sự hoạt động và quản lý hoạt động du lịch đúng đắn, hiệu quả mà mục tiêu là bảo đảm toàn vẹn môi trường, công bằng và hòa nhập xã hội, phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa, hướng tới phát triển bền vững.

Báo chí từng đồng loạt lên tiếng về "thảm họa" du lịch Việt Nam do những hành vi chèo kéo, "chặt chém", bám khách, ăn xin, giá cả niêm yết không công khai..., gây ảnh hưởng xấu tới du khách. Bởi vậy, "du lịch có trách nhiệm" không chỉ là một lựa chọn tất yếu, mà còn là động lực nhằm thay đổi tư duy về phát triển du lịch.

 

Trong chiến lược phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Chính phủ yêu cầu các địa phương tự chủ hơn trong quá trình triển khai và phản ánh nhu cầu về bảo đảm gia tăng "du lịch có trách nhiệm" nhằm góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và giảm nghèo.

 

Song, trước tình trạng du lịch Việt Nam đang thiếu tính bền vững và cạnh tranh do những hạn chế cả về khách quan lẫn chủ quan mà "thảm họa" nói trên chỉ là một phần bề nổi dễ nhận thấy, "du lịch có trách nhiệm" cần được ứng xử như một phương thức tiếp cận cơ bản nhằm đem đến các trải nghiệm tích cực cho du khách và dân bản địa. Quá trình này phải đồng thời tạo ra ý thức cũng như sự tôn trọng văn hóa và môi trường nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của du lịch thông qua việc trao quyền cho người dân địa phương, kể cả các dân tộc thiểu số để nâng cao tối đa thu nhập và việc làm từ sự cung cấp các dịch vụ du lịch.

 

Mặt khác, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, các ưu tiên trong chính sách của Nhà nước là xây dựng một khung thể chế hiện đại nhằm hướng du lịch tới phát triển bền vững; thúc đẩy quan hệ đối tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân; phát triển nguồn nhân lực phục vụ quản lý du lịch... Tất cả nhằm củng cố năng lực thể chế và nhân lực để đạt được đầy đủ những lợi ích phát triển kinh tế xã hội đáng kể từ ngành công nghiệp không khói, trong khi vẫn bảo vệ và tăng cường được các nguồn lực tự nhiên, văn hóa mà ngành phụ thuộc.

 

Muốn vậy, một hệ thống trách nhiệm về kinh tế - xã hội, môi trường... cần được nêu cao và thực thi nghiêm ngặt. Cụ thể, khi phát triển các dự án du lịch, cần đánh giá tác động kinh tế - xác định rõ ưu tiên loại hình nào phát triển phù hợp, mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư địa phương và giảm thiểu các tác động tiêu cực tới đời sống của họ. Thí dụ, phát triển dự án du lịch có dẫn tới hậu quả làm tổn hại và cạn kiệt các nguồn lực, tài nguyên? Xúc tiến quảng bá du lịch có bảo đảm tôn trọng tính nguyên vẹn về văn hóa, kinh tế, tự nhiên và xã hội; có khuyến khích phát triển các loại hình du lịch phù hợp với hoàn cảnh thực tế? Quá trình phát triển du lịch có tôn trọng văn hóa bản địa, bảo tồn và phát huy tính đa dạng về văn hóa và xã hội; có quản lý đa dạng tự nhiên, sinh thái theo hướng bền vững; phục hồi những khu vực tài nguyên tự nhiên bị xâm hại và xác định rõ các loại hình du lịch gắn với môi trường để có hướng bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái dễ bị phá hủy và các khu phòng hộ hay không?...

 

Du lịch là một trong những ngành kinh tế có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Nó là nhân tố và cũng là hệ quả bảo đảm phát triển bền vững. Ðể mục tiêu phát triển "du lịch có trách nhiệm" sớm mang lại kết quả như mong muốn, điều cần nhất lúc này là tinh thần trách nhiệm cao cùng sự phối hợp chặt chẽ từ mọi chủ thể, cả ngành du lịch lẫn các ngành liên quan.

Nguồn: Nhandan.org.vn