Cùng du khách xây dựng môi trường du lịch lành mạnh

Cập nhật: 07/08/2013
Sau rất nhiều năm “có xác mà không có hồn”, đường dây nóng du lịch tại nhiều địa phương trọng điểm đã có những thay đổi tích cực trong bối cảnh báo động liên tục về môi trường kinh doanh du lịch thiếu lành mạnh ở Việt Nam.

Quảng Ninh là điểm du lịch có những thay đổi đáng ngạc nhiên trong mùa cao điểm du lịch hè 2013.

 

Cách đây không lâu, du khách (và thậm chí cả người dân địa phương) vẫn gọi khu du lịch biển Bãi Cháy – Hạ Long là “Bãi chém” với mỗi quà dừa hay chai lavie bị đẩy giá lên gấp 3-4 lần; những bữa ăn hải sản ở nhà bè hết 3-4 triệu cho 7-8 người; những chiếc thuyền chở khách thăm quan vịnh bị nhồi nhét khách; các bãi đỗ xe thu cả trăm nghìn cho một lượt đỗ ô tô; phòng nghỉ bình dân có thể lên đến tiền triệu vào mỗi sự kiện Carnaval Hạ Long…

 


 

 

"Môi trường kinh doanh du lịch tại Hạ Long cải thiện đáng kể, đi vào nề nếp, không còn tình trạng “loạn giá” như trước đây”. (Ảnh minh họa: Ngọc Thành)

 

Nhưng tình trạng này đã được chính lữ hành và du khách xác nhận là không còn tái diễn dù Hạ Long vẫn là một điểm đến đắt đỏ về dịch vụ.

 

Anh Nguyễn Mạnh Quang, nhân viên Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Hà Thành (Hà Đông, Hà Nội), vừa có một chuyến đi nghỉ mát ở Hạ Long cùng gia đình và bạn bè vào cuối tháng 6. Đặt được phòng nghỉ ở khách sạn 4 sao Hạ Long DC chỉ với giá hơn 1 triệu đồng/đêm cho 2 ngày cuối tuần, anh Quang không khỏi ngạc nhiên. Bởi chỉ hai năm trước, vào dịp 30/4-1/5, cả gia đình anh đã phải trả một số tiền tương tự cho vài tiếng nghỉ đêm ở một khách sạn bình dân thiếu tiện nghi.

 

“Giá cả ở Hạ Long vẫn đắt hơn nhiều so với Cửa Lò, Đà Nẵng hay Huế, Nha Trang. Nhưng vào nhà hàng gọi món hay ra bãi biển uống nước, chúng tôi không còn phải cảnh giác như trước đây vì đều có bảng giá niêm yết rõ ràng. Khu bãi tắm cũng sạch sẽ và an toàn hơn, không có hàng rong tụ tập bao vây các nhóm khách.

 

Tôi cũng có chút ngạc nhiên khi chứng kiến một đoàn khách cãi cọ với một chủ thuyền vì nhét thêm khách lên thuyền, chỉ vài phút sau khi vị khách này gọi điện đến đường dây nóng, hai cán bộ chức năng đã có mặt giải quyết” – anh Quang chia sẻ.

 

Ông Nguyễn Công Hoan – Phó Giám đốc công ty du lịch Hanoi Redtours cũng cho hay: “Theo thông tin từ các hướng dẫn viên của công ty, Hạ Long năm nay không bị “nóng” về giá cả mặc dù vẫn là địa phương có mức giá dịch vụ cao. Điểm mới của điểm du lịch này là tất cả các dịch vụ từ nhỏ nhất như trông giữ xe đều có bảng giá niêm yết. Số điện thoại các đường dây nóng được dán ở khắp nơi với mật độ dày đặc bằng ba thứ tiếng. Giá phòng lưu trú tương đối ổn định”.

 

Những thay đổi tích cực này đã được ông Hà Quang Long – Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ninh lý giải: “Trong mùa cao điểm du lịch hè 2013, riêng Thanh tra sở đã tiếp nhận hơn 300 cuộc gọi qua đường dây nóng. Trong số đó, Sở trực tiếp giải quyết gần 100 trường hợp. Các trường hợp còn lại đều ngay lập tức được chuyển đến lực lượng chức năng khác hỗ trợ và giải quyết các kiến nghị của du khách trong thời gian ngắn nhất.

 

Sở cũng bổ sung thêm 10 cán bộ chuyên trách giải quyết vụ việc, tổ chức 3 tổ thanh tra hoạt động cả ngày lẫn đêm. Chính sự có mặt kịp thời của lực lượng chức năng sau mỗi cuộc gọi của du khách đã góp phần quan trọng giúp chất lượng môi trường kinh doanh du lịch tại Hạ Long cải thiện đáng kể, đi vào nề nếp, không còn tình trạng “loạn giá” như trước đây”.

 

Cũng là điểm nóng về du lịch chặt chém, nhưng kể từ khi thiết lập lại hệ thống các đường dây nóng vào đầu quý II năm nay, thành phố Vũng Tàu xóa bỏ được 6 “địa chỉ đen” từ phản ánh của du khách qua các số điện thoại hotline.

 

Điểm mới trong hoạt động đường dây nóng của Vũng Tàu là mỗi số điện thoại được ghi kèm theo đích danh tên lãnh đạo đơn vị phụ trách số điện thoại đó nhằm đảm bảo tính trách nhiệm cao nhất. Bên cạnh đó, cứ tuyến phố nào nhận được nhiều phản ánh của du khách về tình trạng vi phạm kinh doanh du lịch thì nơi đó được đặt nhiều biển cảnh báo và số điện thoại đường dây nóng hơn các điểm khác. Mục đích là tạo tâm lý an tâm hơn cho du khách và thể hiện tinh thần sẵn sàng hỗ trợ du khách khi cần thiết.

 

Tuy nhiên, không may mắn như Hạ Long và Vũng Tàu, khu du lịch biển Sầm Sơn Thanh Hóa dù đã tập trung cao độ nhất cho việc giải quyết vấn nạn chặt chém mang tính “thâm căn cố đế” tại địa phương bằng việc đích thân Chủ tịch thị xã Sầm Sơn trực số điện thoại đường dây nóng, nhưng tiếng xấu vẫn không bị mất đi, mà còn bị nhiều tờ báo và độc giả xới lên rầm rộ.

 

Độc giả phẫn nộ đưa ra các kinh nghiệm nhớ đời “một đi không trở lại” ở Sầm Sơn, vạch tội các đường dây nóng luôn trong tình trạng “ò í e”, kêu gọi tẩy chay du lịch Sầm Sơn… Trong khi đó, thực tế là dịch vụ du lịch Sầm Sơn hè 2013 đã có cải thiện đáng kể. Đường dây nóng trực chiến 24/24h với hàng trăm vụ việc được xử lý mỗi tháng.

 

Sự thay đổi của Sầm Sơn có thể xem là muộn, bởi du khách đã không còn tin tưởng vào sự thay đổi ấy. Nhưng theo ông Nguyễn Công Hoan, nếu thái độ ứng xử của đường dây nóng du lịch Sầm Sơn vẫn duy trì được tính tích cực như mùa hè năm nay, thì chỉ cần thêm 1-2 mùa nữa, Sầm Sơn sẽ lấy lại được uy tín của mình.

 

Ông Lưu Đức Kế - Giám đốc công ty du lịch Hanoitourist – phân tích: “Sự hồi sinh của đường dây nóng du lịch tại các địa phương có thể xem là muộn mằn, bởi những vi phạm trong kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là thái độ ứng xử kém đẹp với du khách, đã trở nên “thâm căn cố đế”, ở mức báo động cao nhất. Nhưng muộn còn hơn không”.

 

Ông Kế cho rằng, may mắn là trong lúc nỗ lực tìm hướng giải quyết những khó khăn, khủng hoảng của ngành du lịch, những người làm quản lý du lịch đã tìm ra được con đường nhanh nhất: đó là kết nối với du khách, cùng du khách xây dựng môi trường du lịch lành mạnh.

 

Điều này không mới, thậm chí đã được nhìn ra từ cả chục năm trước, nhưng khi những nhu cầu từ phía du khách không gặp được sự tương đồng từ phía nhà quản lý du lịch địa phương, các đường dây nóng đã trở thành một thứ hình thức đắp chiếu. Du khách không còn tin vào sự hồi âm của cuộc gọi, lâu dần dẫn đến tâm lý tự ứng xử, tự giải quyết, chấp nhận “sống chung với lũ” thay vì tìm sự giúp đỡ của cơ quan chức năng. Từ đó, được thể, những kẻ cơ hội lợi dụng tâm lý chấp nhận của du khách và tâm lý thờ cơ của địa phương để trục lợi ngang nhiên.

 

Việc làm hồi sinh phần hồn của các đường dây nóng, với những hoạt động chủ động, tích cực và thực chất, chính là cách duy nhất và hữu hiệu nhất để lấy lại niềm tin của du khách. Khi du khách đã có niềm tin, họ sẽ sẵn sàng kết nối và hợp tác. Dẹp nạn chặt chém, chèo kéo, lừa đảo, móc túi du khách đâu có khó. Khó là ở chỗ người quản lý du lịch – người làm du lịch – người đi du lịch có cùng một mục tiêu và bắt tay hợp tác vì mục tiêu đó hay không. Bài học liên kết không bao giờ là lỗi thời./.

 

Khánh Hải

Nguồn: Toquoc