Du lịch ĐBSCL phát huy các thế mạnh để hút khách

Cập nhật: 26/08/2013
Nhằm phát huy thế mạnh du lịch, tăng tính hấp dẫn với du khách, các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang liên kết, thực hiện các biện pháp để đẩy mạnh "ngành công nghiệp không khói."

Các tỉnh, thành phối hợp đào tạo nhân lực, hình thành trung tâm xúc tiến du lịch, quảng bá du lịch cho toàn vùng theo thể thống nhất, xây dựng trang web nối mạng Internet nhằm mở rộng thông tin du lịch đến du khách quốc tế, trong nước, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ.

 

Bằng nhiều nguồn vốn, các tỉnh cũng đầu tư thêm hàng trăm tỷ đồng xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, đồng thời khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch vườn.

 

Trước mắt, 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức nhiều sự kiện du lịch như lễ hội Vía bà Chúa Xứ ở An Giang, lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang, lễ hội Nghinh Ông ở Trà Vinh, đua ghe Ngo ở Sóc Trăng, Trà Vinh... Hiện các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang nâng cấp các nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan, du lịch, di tích văn hóa, vui chơi giải trí phục vụ du khách.

 

Về lâu dài, Đồng bằng sông Cửu Long định hướng phát triển du lịch theo cụm trong đó, cụm trung tâm (gồm thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang) phát triển du lịch sông nước, thương mại, lễ hội, nghỉ dưỡng biển cao cấp.

 

Cụm bán đảo Cà Mau (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng) phát triển loại hình tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer

 

Cụm duyên hải phía đông (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh) phát triển du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười (Long An, Đồng Tháp) phát triển du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ngập nước Đồng Tháp Mười.

 

Trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện ngành du lịch thành phố Cần Thơ phát triển mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Địa phương này đang tăng cường xúc tiến du lịch, đa dạng hóa các loại hình sinh thái, sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, du lịch kết hợp hội nghị đáp ứng tốt nhu cầu của du khách.

 

Cần Thơ đẩy mạnh việc khai thác vị trí trung tâm trung chuyển của địa phương đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh thành khác trong nước; mở thêm các tour, tuyến du lịch sinh thái tại Cần Thơ và từ Cần Thơ đến các tỉnh khác trong và ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Cần Thơ còn hợp tác với tỉnh An Giang, Kiên Giang, hình thành “tam giác du lịch” mạnh nhất khu vực với các loại hình du lịch sông nước, biển đảo, núi. Đến nay Cần Thơ đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng trên 20 khu du lịch sinh thái vườn rộng gần 300ha, trong đó có nhiều khu có tiện nghi đạt chuẩn quốc gia, quốc tế. Các yếu tố mỹ quan, văn minh, vệ sinh môi trường, an toàn trên các tuyến du lịch chợ nổi Cái Răng, Phong Điền và trên các tuyến du lịch cồn Khương, cồn Ấu, cồn Cái Khế được cải tiến.

 

Thành phố đã huy động nhiều thành phần kinh tế tham gia xây dựng 165 khách sạn (trong đó có 35 khách sạn từ 1-4 sao) với gần 4.000 phòng, 6.000 giường, dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long. Trong 7 tháng đầu năm 2013, lượng khách du lịch đến Cần Thơ gần 900.000 người, tăng 27% so cùng kỳ năm 2012.

 

Theo báo cáo của ngành du lịch 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, toàn vùng hiện chỉ có vài chục doanh nghiệp lữ hành quốc tế, chiếm chưa tới 5% cả nước. Hoạt động chủ yếu của các doanh nghiệp này là nối tour cho các hãng lữ hành của các thành phố lớn. Riêng hoạt động tiếp thị, quảng bá kém, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, nghiệp vụ lữ hành của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong hoạt động kinh doanh lữ hành chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách.

 

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng như cầu, đường, sân bay, bến tàu thuyền ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa hoàn chỉnh làm cho việc tiếp cận với các tiềm năng du lịch trong vùng gặp khó khăn. Số khách sạn 3 sao trở lên còn ít, thiếu các khu vui chơi, du lịch hấp dẫn, các sản phẩm du lịch vẫn còn nghèo nàn. Nhiều điểm du lịch chưa mang đậm dấu ấn miệt vườn, các làng nghề còn quá ít, chưa có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. Số điểm tham quan cũng chưa nhiều.

 

Chương trình phục vụ du khách của một số tỉnh có đặc sắc nhưng trùng lắp, dễ gây nhàm chán nên thời gian giữ du khách ở lại với Đồng bằng sông Cửu Long phổ biến là 1 ngày đêm chứ không hơn.

 

Theo Công ty Du lịch Sài Gòn, một trong năm đơn vị tổ chức nhiều tour du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng bằng sông Cửu Long, các công ty du lịch ở đây chỉ mới tập trung vào các nội dung tham quan. Các nội dung khác chưa được khai thác đúng mức (resort trên bãi biển, trên núi, lặn biển, picnic, cắm trại, đi xe đạp xuyên Đồng bằng sông Cửu Long...). Các công ty du lịch cũng chưa tạo điều kiện tốt cho các hoạt động tiếp cận văn hóa của du khách cũng như các dịch vụ khác.

 

Bên cạnh đó, toàn vùng cần khoảng 200.000 lao động được đào tạo bài bản để phục vụ nhưng hiện chỉ có khoảng 20.000 lao động trong ngành này trong đó, chỉ có 50% số lao động được đào tạo chuyên nghiệp. Vì những tồn tại trên, lượng du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long chỉ tăng trên dưới 10% mỗi năm, thu nhập từ du lịch chỉ chiếm khoảng 3% so với cả nước./.

Nguồn: TTXVN