Châu Âu hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xanh

Cập nhật: 16/09/2013
Ngày 20/9 tới sẽ diễn ra hai sự kiện liên quan chủ đề kinh tế xanh cho Việt Nam được Đan Mạch và Thụy Điển phối hợp tổ chức. Đó là, tại Đan Mạch, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (TKNL) TP.Hồ Chí Minh (ECC HCMC) và Trường Đại học Bắc Đan Mạch (UCN) sẽ ký kết biên bản ghi nhớ về thành lập Viện Đào tạo năng lượng và Kiến trúc xanh. Tại Hà Nội, Triển lãm Greenbiz 2013 diễn ra trong hai ngày 19 - 20/9 nhằm trưng bày các công nghệ xanh của Thụy Điển. Đây được xem là những sự kiện mở ra những triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và các nước châu Âu trong lĩnh vực kinh tế xanh.

Kiến trúc xanh - Hợp tác mới nhất của Việt Nam và Đan Mạch về tăng trưởng xanh

 

Theo ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc ECC HCMC, dự kiến đến tháng 3/2014, Viện Đào tạo năng lượng và Kiến trúc xanh - kết quả hợp tác của ECC HCMC và UCN trong 2 năm qua sẽ chính thức ra mắt. “Hiện Việt Nam chưa có tiêu chuẩn về công trình xanh và chưa có các cơ sở đào tạo về cách thiết kế một công trình xanh. Do đó, Viện Đào tạo năng lượng và Kiến trúc xanh sẽ tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực là: Đào tạo các cấp độ sơ cấp, các khóa ngắn hạn, trung cấp, liên kết với các trường đại học đào tạo hệ cử nhân; nghiên cứu và trao đổi học viên nghiên cứu sinh; tư vấn công trình xanh”, ông Tước cho biết.

 

Viện Đào tạo năng lượng và Kiến trúc xanh là nơi tập hợp đội ngũ chuyên gia về kiến trúc xanh của Việt Nam, Đan Mạch và nhiều nước khác. Các chương trình trao đổi chuyên gia hàng năm cho phép các chuyên gia có cơ hội tham gia nhiều dự án kiến trúc xanh ở cả 2 nước. Ông Tước nhấn mạnh, ECC HCMC vốn được biết đến như đơn vị tiên phong và đến nay vẫn là đơn vị duy nhất dạy cơ bản về kiến trúc xanh. Còn UCN là đại học với ưu thế ứng dụng công nghệ vào công trình. Do đó, sự kết hợp lần này sẽ giúp hình thành một đơn vị tiên phong trong lĩnh vực kiến trúc xanh, góp phần giúp lĩnh vực này phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai.

 

Các đối tác Việt Nam và Đan Mạch kỳ vọng, Viện Đào tạo năng lượng và Kiến trúc xanh giúp hình thành một ngành học mới là kỹ sư công nghệ kiến trúc. Đây là ngành học mà các trường đại học kiến trúc của Việt Nam đang muốn lập. Sau khi thành lập Viện Đào tạo năng lượng và Kiến trúc xanh, thời gian tới, ECC HCMC sẽ liên kết với hai cơ sở đào tạo về kiến trúc là Đại học Kiến trúc TP.HCM và Đại học Kiến trúc Hà Nội để đào tạo ngành học này.

 

Thụy Điển đem các công nghệ xanh hàng đầu thế giới tới Việt Nam

 

Đó là khẳng định của bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. Theo đó, tại Triển lãm Greenbiz 2013 diễn ra ngày 19 - 20/9 tới đây, các công ty Thụy Điển sẽ giới thiệu các công nghệ tiên tiến nhất và chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp trong xử lý chất thải, quản lý nguồn nước và năng lượng tái tạo với các đối tác Việt Nam. Đại sứ Camilla Mellander nhấn mạnh, hiện có rất nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các công ty Thụy Điển và tiếp nhận những giải pháp công nghệ xanh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có cơ hội để vay các nguồn vốn mang tính ngắn hạn, đặc biệt cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khởi sự. Vì vậy, Greenbiz 2013 sự kiện mở ta triển vọng gia tăng thêm nhiều sự kiện kết nối, thúc đẩy thương mại giữa doanh nghiệp hai nước trong tương lai.

 

Nói về kinh nghiệm của Thụy Điển trong lĩnh vực công nghệ xanh, bà Camilla Mellander cho biết, Thụy Điển đã có quá trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ xanh kể từ những năm 1960. Sau thời gian dài Chính phủ quyết định tập trung một cách toàn diện vào công nghệ xanh, sạch hiện nay, phần lớn các công ty Thụy Điển đã có hệ thống quản lý xanh tích hợp trong hệ thống vận hành doanh nghiệp và điều này cũng góp phần giúp nâng cao tính cạnh tranh của chính các doanh nghiệp.

 

Đại sứ Camilla Mellander cho rằng, để vừa phát triển bền vững và đồng thời giảm mức độ ô nhiễm Việt Nam cần cân nhắc các giải pháp mang tính bền vững hơn cho ngành giao thông. Trong đó, Việt Nam cần chú trộng đến các giải pháp có thể liên quan đến phát triển và cải hệ thống giao thông công cộng như ứng dụng xe buýt chạy bằng biogas (khí sinh học) để giảm thiểu phát thải vào không khí. Trong lĩnh vực này, năm 2005 Thụy Điển là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa vào sử dụng tàu hỏa chạy bằng biogas.

Nguồn: monre.gov.vn