Hải Phòng: Quản lý, bảo vệ Di sản thiên nhiên Cát Bà-trách nhiệm của cả cộng đồng

Cập nhật: 29/10/2013
Đoàn chuyên gia của Tổ chức Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thẩm định thực địa Hồ sơ đề cử UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Các chuyên gia của IUCN có ấn tượng sâu sắc về những giá trị đa dạng sinh học tại đây, đặc biệt đánh giá cao công tác quản lý, bảo tồn gìn giữ di sản thiên nhiên quý giá của chính quyền và người dân huyện đảo Cát Hải, TP.Hải Phòng.

 

Hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới quần đảo Cát Bà là sự tập hợp những kết quả nghiên cứu, căn cứ khoa học và số liệu chính xác của các nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực này được dày công thực hiện trong nhiều năm qua. Theo đó, quần đảo Cát Bà có tổng diện tích hơn 336 km2 với 388 đảo đá vôi, lớn nhất là đảo Cát Bà. Quần đảo Cát Bà có lịch sử phát triển địa chất lâu dài, trải qua hơn 18.000 năm di sản vẫn giữ được tính tự nhiên cao. Trong suốt quá trình tiến hóa, quần đảo Cát Bà đã hình thành nên 7 hệ sinh thái nhiệt đới cận chí tuyến điển hình, chứa đựng đầy đủ các giá trị nổi bật về đa dạng sinh học, bao gồm: Rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi lớn nhất Châu Á và tiêu biểu của thế giới (150 km2); rừng ngập mặn lớn nhất ở vùng đảo Việt Nam; vùng triều với các khảm sinh vật bám đặc sắc; hệ sinh thái rạn san hô phát triển nhất Vinh Bắc bộ; hồ nước mặn đặc thù chỉ có ở Cát Bà và Vịnh Hạ Long cùng một số nước khác; hệ sinh thái đáy mềm được bao phủ dưới khối nước biển trong xanh đạt đến độ sâu 29m, phủ kín bởi thảm thực vật; hệ thống hang động Kastơ tạo ra cảnh quan kỳ vĩ đặc sắc mà ít nơi có được. Trên tổng số 3860 loài thực vật, động vật sống trên cạn và dưới biển, đã phát hiện có tới 130 loài quý hiếm được đưa vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới (76 loài). Trong đó, 21 loài đặc hữu được IUCN xếp hạng ở mức cực kỳ nguy cấp (CR), mà đặc biệt nhất là loài Vọoc Cát Bà. Đây là 1/25 loài linh trưởng bị đe dọa cao nhất thế giới, cần phải được bảo tồn ngoại hạng toàn cầu. Hiện nay chỉ còn một quần thể duy nhất trên thế giới với 63 cá thể Vọoc phân bố ở Cát Bà v.v…

 

Một phần Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà

 

Những cá thể Vọoc Cát Bà

 

Như vậy, quần đảo Cát Bà chứa đựng đầy đủ các giá trị đa dạng sinh học quý hiếm có tính toàn cầu, đáp ứng trọn vẹn 2 tiêu chí số 9 và số 10 của Công ước Di sản thế giới. Vấn đề đặt ra đối với cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân TP.Hải Phòng, mà trực tiếp nhất là huyện đảo Cát Hải là cần phải lập kế hoạch, đồng thời thực thi ngay các giải pháp, biện pháp quản lý, bảo tồn và khai thác phát huy giá trị nổi bật toàn cầu mang tính toàn vẹn của quần đảo Cát Bà khi được UNESCO công nhận trở thành Di sản thiên nhiên thế giới. Theo ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, từ nhiều năm trước, khi quần đảo Cát Bà được xếp hạng là Danh lam thắng cảnh, di tích đặc biệt cấp quốc gia, Vườn quốc gia, Khu bảo tồn biển và Khu dự trữ sinh quyển thế giới thì Cát Bà đã được quan tâm bảo vệ thông qua hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và quốc tế cũng như những biện pháp cụ thể của thành phố, của huyện Cát Hải trong công tác tăng cường tuyên truyền, quản lý, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển KT-XH, cải thiện đời sống người dân địa phương. Trong đó, có những giải pháp nhằm trả lại môi trường biển, rừng ngập mặn như vốn có, bảo vệ và tạo sự sinh sôi cho quần thể Vọoc Cát Bà, hạn chế những tác động của con người làm nguy hại đến di sản. Tiến sỹ Bùi Thanh Tùng-Bí thư Huyện ủy Cát Hải khẳng định thêm về vấn đề này: “ Trước lộ trình quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, chúng ta cần định hướng dài hạn cho mô hình quản lý tổng hợp đối với di sản, tập trung vào các vấn đề như: bảo tồn nguyên vẹn giá trị cảnh quan thiên nhiên, giá trị các hệ sinh thái điển hình, các loài động thực vật đặc hữu bản địa có giá trị toàn cầu; quản lý giám sát chặt chẽ các hoạt động KT-XH, tăng cường nghiên cứu làm rõ thêm những giá trị của di sản; nâng cao năng lực quản lý, tuyên truyền giáo dục ý thức cộng đồng, thu hút đông đảo mọi người cùng tích cực tham gia quản lý, bảo vệ di sản một cách bền vững. Điều này không chỉ dừng lại ở ý nghĩa phục vụ cuộc sống người dân trước mắt, mà nó còn bao hàm ý nghĩa nhân văn cao cả là gìn giữ và truyền lại món quà vô giá do thiên nhiên ban tặng cho muôn đời con cháu mai sau. Đó là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân huyện đảo nói riêng và TP.Hải Phòng nói chung cũng như đối với du khách mỗi khi đến với đảo ngọc Cát Bà”.

Nguồn: monre.gov.vn