Quảng Nam: Bắt đầu hưởng lợi từ du lịch cộng đồng

Cập nhật: 19/12/2013
UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền của tỉnh Quảng Nam” (SIT/ILO) do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và tỉnh Quảng Nam phối hợp triển khai trong 3 năm qua (7.2011-12.2013).

Với mục tiêu giảm nghèo tại tỉnh Quảng Nam, dự án được triển khai với sự tài trợ của Chính phủ Lucxembourg thông qua ILO đã mang lại nhiều thành tựu cho du lịch Quảng Nam. Và thành tựu lớn nhất mà dự án mang lại chính là hỗ trợ và xây dựng mô hình cộng đồng bền vững, có cơ hội hưởng lợi ích từ hoạt động du lịch.

 

Theo bà Nguyễn Thị Huyền, điều phối viên của văn phòng dự án STI/ILO, mục đích của dự án hướng đến là nhằm xây dựng một phương thức tiếp cận bền vững có khả năng nhân rộng cao, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch định hướng giảm nghèo, tạo việc làm bền vững có tính đến các vấn đề về giới tại Việt Nam. Đối tượng ưu tiên của dự án bao gồm phụ nữ và thanh niên, các nhóm đối tượng khác có nhu cầu.

 

Theo đó, trong thời gian 3 năm, hoạt động của dự án được triển khai theo ba định hướng chính, cụ thể: Các điều kiện hỗ trợ triển khai việc làm trong ngành du lịch, bao gồm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực song song với việc cải thiện môi trường kinh doanh; Phát triển các điểm đến du lịch sâu trong đất liền dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh và vùng Mỹ Sơn; Phát triển các sản phẩm địa phương theo hướng giảm nghèo phục vụ cho du lịch.

 

Tại DSVHTG Mỹ Sơn, dự án đã lập kế hoạch và triển khai một loạt các hoạt động nhằm phát triển khu vực quanh Mỹ Sơn trở thành điểm tham quan du lịch sâu trong đất liền và đây trở thành một mô hình du lịch cộng đồng đủ tiêu chuẩn đầu tiên trong tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó đã tổ chức đào tạo xây dựng năng lực cho người dân về kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, kỹ năng làm du lịch và kỹ năng làm việc theo nhóm. Hỗ trợ chuyển đổi lưu trú của 5 hộ gia đình với mục đích giúp các hộ gia đình giảm nghèo. Hướng đến triển khai các hoạt động du lịch bền vững, ít tác động tiêu cực ở những vùng gần với Khu DSVHTG Mỹ Sơn.

 

Sau khi khai trương làng du lịch cộng đồng ở Mỹ Sơn, dự án đã tiếp tục triển khai hai mô hình du lịch cộng đồng ở hai làng Bhơ Hồông (xã Sông Kôn) và Đhrôồng (xã Ta Lu) tại huyện miền núi Đông Giang. Dự án đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực cho cộng đồng khi lấy mô hình làng du lịch cộng đồng làm trọng tâm để phát triển chuỗi giá trị nhằm quảng bá các điểm du lịch sâu trong đất liền, du lịch sinh thái, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa vật thể và phi vật thể trên cơ sở dựa vào tiềm năng của cộng đồng để làm du lịch. Từ đó, có thể quảng bá những nét văn hóa đặc sắc về đời sống, phong tục tập quán của người bản địa, đồng thời tạo sự mới mẻ, độc đáo khi du khách có thể trải nghiệm những hoạt động văn hóa ngay chính trong vùng du lịch, cùng khám phá những vùng nguyên sơ của các huyện miền núi.

 

Dự án cũng góp phần tạo việc làm tại chỗ cho cư dân vùng dự án, hướng tới giảm nghèo bền vững. Chẳng hạn như tại làng Bhơ Hồông và Đhrôồng, đồng bào Cơtu vừa là đối tượng chính, vừa là người được hưởng lợi trực tiếp từ dự án được lựa chọn để tham gia vào từng phần việc cụ thể. Đến nay đã xây dựng được 4 nhà homestay bao gồm 7 phòng với đầy đủ cơ sở vật chất đã sẵn sàng tiếp đón du khách. Nhiều dịch vụ và các hoạt động ngoài trời được thiết kế phục vụ khách du lịch như nhà homestay, đồ ăn và thức uống, các buổi biểu diễn nhạc cụ truyền thống, múa cồng chiêng, biểu diễn dệt thổ cẩm và đan mây tre, trekking, câu cá, tắm suối nước khoáng...

 

Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng đã tạo ra các gói sản phẩm như: cung cấp dịch vụ đa dạng với các sản phẩm truyền thống, hướng dẫn tham quan, du lịch và các họat động vui chơi giải trí cũng như đáp ứng nhu cầu thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể... Từ đây, cư dân vùng du lịch có thể tạo thu nhập cho mình thông qua những gói sản phẩm nêu trên. Dự án đã mở ra cho du lịch cộng đồng Quảng Nam hướng phát triển mới nhằm kết nối các giá trị văn hóa để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch có giá trị cao với sự đóng góp của cộng đồng mà đòi hỏi phải có sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp chính quyền, nhất là của những người làm du lịch.

Nguồn: Báo Văn hóa