Lạc Xuân - điểm sáng "khu dân cư bảo vệ môi trường" ở Lâm Đồng

Cập nhật: 21/01/2014
Những ngày Tết cổ truyền đang đến gần, xã Lạc Xuân - điểm sáng của phong trào khu dân cư bảo vệ môi trường ở huyện Đơn Dương như tưng bừng, rộn ràng hơn.

 

Từ thành phố Đà Lạt xuôi theo đèo D’ran khoảng 30km về Quốc lộ 27 là xã Lạc Xuân. Từ trên cao trông xuống, Lạc Xuân như một dải lụa xanh, nằm nghiêng mình bên dòng sông Đa Nhim. Từng con đường đi về xã Lạc Xuân đều được trải nhựa thoáng mát và sạch đẹp. Trên những cánh đồng chuyên canh rau củ đặc sản của huyện Đơn Dương, bà con nông dân đang tích cực chăm bón, chuẩn bị thu hoạch cho vụ Tết Giáp Ngọ.    

 

Trong nhiều năm liền, Lạc Xuân giữ vững danh hiệu xã văn hóa. Ông Mai Linh Sơn, Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm cho biết: Với tinh thần đoàn kết, chung sức, mọi người trong xã đã cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng xã nông thôn mới, trong đó chú trọng việc bảo vệ môi trường, xử lý rác thải nông nghiệp ngay tại đồng ruộng. Là xã chuyên canh sản xuất rau củ lớn của cả vùng nên vấn đề rác thải nông nghiệp ở Lạc Xuân là vấn đề làm “đau đầu” chính quyền các cấp trong nhiều năm trước đây.    

 

Để phong trào bảo vệ môi trường trở thành việc làm thường xuyên, chính quyền địa phương đã lồng ghép nội dung trong các buổi họp dân tại các thôn, xóm. Tại đây, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức thảo luận chuyên đề về bảo vệ môi trường, lắng nghe ý kiến của nhân dân và đưa ra các giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương. Trong khi đó, người dân cũng thảo luận, đưa ra các giải pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm, rác thải từ nông nghiệp... từ đó cùng nhau tìm ra sáng kiến, giải pháp hay.    

 

Điểm nổi bật của phong trào chính là việc nắm bắt được tính chất của Lạc Xuân là xã có đông đồng bào có đạo, Mặt trận Tổ quốc xã đã biết kết hợp với linh mục quản xứ vận động bà con giáo dân, qua đó người dân đã tự giác tham gia. Trong các buổi hành lễ, cha xứ đã dành thời gian phân tích cho giáo dân hiểu lợi ích của việc bảo vệ môi trường.    

 

Qua công tác tuyên truyền một cách hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, linh mục quản xứ, người dân đã hiểu được lợi ích của việc bảo vệ môi trường sinh thái chính là trực tiếp bảo vệ cuộc sống của chính họ. Từ đó nâng cao được nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, thu hút người dân tham gia vào các sự kiện như “Ngày Môi trường thế giới, Ngày làm cho thế giới sạch hơn, Giờ Trái đất…”.     

Kết quả thiết thực đã được thấy rõ khi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, các gia đình đóng tiền thu gom rác, góp vốn làm khu tập kết rác và xử lý rác thải. Hầu hết những hộ dân trong xã đã có thùng rác để đựng rác sinh hoạt, mỗi nhà tự phân loại rác trước khi tập kết rác đến nơi quy định.   Trong sản xuất nông nghiệp, bà con cũng làm quen dần với việc thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng xong phải tiêu hủy hoặc bỏ vào nơi quy định, không vứt bừa bãi ra đồng ruộng, sông suối... Ngoài ra, sau những buổi đi lễ về, hay tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, bà con trong xã cùng nhau dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm dọc đường.   

 

Nói về phong trào nhân dân chung tay bảo vệ môi trường ở xã Lạc Xuân, ông Trương Văn Được, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đơn Dương, cho rằng, với tinh thần mỗi người dân đều trở thành những điểm sáng trong thực hiện cuộc vận động "Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" mà cụ thể là mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường”, phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa ở Lạc Xuân đã giúp bà con lương cũng như giáo dân ngày một thắt chặt mối quan hệ, xây dựng lối sống lành mạnh trong mỗi gia đình và cộng đồng, đồng thời góp phần xây dựng môi trường sống và bộ mặt nông thôn mới của xã nhà ngày một tươi đẹp. 

Nguồn: monre.gov.vn