Xoài tiến vua trở thành cây di sản Việt Nam

Cập nhật: 20/02/2014
Trước đây xoài chùa Từ Quang chỉ dùng để đưa về kinh đô dâng vua vào các dịp lễ, tết nên còn có tên là “xoài tiến vua” vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam trao bằng công nhận là cây di sản Việt Nam cho tỉnh Phú Yên.

 

Cụm cây xoài Đá Trắng là một quần thể gồm 20 cây xoài ngự có tuổi thọ hơn 220 năm, trong đó có nhiều cây có tuổi đời trên 200 năm, cây lớn nhất có đường kính 1,2 m, tán rộng hàng chục mét, che phủ bóng mát quanh năm - Báo Điện Tử Một Thế Giới dẫn lời ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao&Du lịch Phú Yên, cho biết tại lễ công nhận ngày 09/02.

 

Giống xoài này có nhiều điểm khác lạ so với xoài thông thường như hoa trắng muốt, trái có vỏ mỏng, khi chín có màu vàng tươi, vị ngọt thanh, mùi thơm dịu nhẹ nên đã nổi tiếng cả nước từ hàng trăm năm nay qua câu ca dao “Rủ lên Đá Trắng ăn xoài/Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì”.

 

Theo hồ sơ công nhận Cây Di sản Việt Nam của quần thể 20 cây xoài Chùa Từ Quang, năm 1793, niên hiệu Cảnh Thịnh đời thứ I, Hòa thượng Pháp Chuyên, hiệu là Luật Truyền, đời thứ 36 thuộc dòng phái Lâm Tế đã đến đây và xây dựng một thảo am để dịch kinh Hoa Nghiêm và khi đó thiền sư trồng rất nhiều cây xoài. Xoài Chùa Đá Trắng khi chín có màu vàng tươi, vị ngọt thanh và có mùi thơm dịu nhẹ. Là loại quả quý để cung tiến vua hàng năm nên còn gọi là xoài ngự, xoài tiến.

 

Những cây xoài Chùa Đá Trắng không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử, mà nó còn có giá trị về mặt thẩm mỹ, tạo cảnh quan, môi trường chung cho cả khuôn viên di tích chùa Đá Trắng; đề nghị nhà chùa, địa phương cần quan tâm đầu tư, bảo tồn phát triển quần thể cây xoài quý – ông Nguyễn Điểu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, được Báo Phú Yên dẫn lời khẳng định.

 

Quần thể cây xoài chùa Từ Quang góp mặt cùng 514 cây trong danh sách cây di sản Việt Nam được công nhận. Việc công nhận Cây Di sản là một hoạt động có ý nghĩa của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nhằm tôn vinh, bảo vệ những cây cổ thụ có giá trị về: khoa học – cảnh quan- môi trường-văn hóa; đồng thời nhằm nâng cao ý thức của nhân dân đối với việc bảo vệ cây rừng, môi trường và nguồn nước sạch - Thượng Tọa Thích Tâm Thủy,Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Phú Yên, khẳng định.

 

Ông Trần Quang Nhất, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, lưu ý chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Yên tăng cường chăm sóc, bảo tồn những cây xoài cổ thụ quý hiếm tại chùa Từ Quang, nhân rộng nguồn gene của giống xoài này, tiến tới xây dựng thương hiệu xoài Từ Quang thành đặc sản của Phú Yên.

 

Nguồn: MTX