Biến muối, rác thành sản phẩm du lịch

Cập nhật: 20/03/2014
Sau ý tưởng làm du lịch từ mưa bão, mới đây, TS.KTS Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển bền vừng (STDe) - lại giới thiệu thêm ý tưởng khá độc đáo: Biến cát, muối, rác thành các sản phẩm du lịch, mang lại sự đột phá cho du lịch Việt Nam.

Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh về tài nguyên du lịch biển nhưng sản phẩm du lịch từ biển thì rất nghèo nàn, đơn điệu, chủ yếu là hoạt động như tắm biển, phơi nắng, thể thao, trượt cát, xây lâu đài cát...

 

Trong khi đó, cát có rất nhiều lợi ích, có thể khai thác để làm các sản phẩm ấn tượng và có giá trị như tranh cát, nghỉ dưỡng chữa bệnh với cát, các đồ lưu niệm làm từ cát. Cát không chỉ có ý nghĩa về vật chất, mà còn mang lại nhiều ý nghĩa tinh thần, như cảm nhận về cuộc sống chậm và tĩnh hơn, những trải nghiệm ý nghĩa về cuộc đời…

 

Tương tự, muối là nguồn tài nguyên nổi trội của Việt Nam - một quốc gia có hơn 3.200 km bờ biển. Tuy nhiên, muối chỉ được nhìn nhận như một loại gia vị trong khi trên thực tế, muối và các sản phẩm từ muối có thể khai thác thành sản phẩm du lịch độc đáo với các giá trị hàng hóa như đèn muối, tranh muối, các giá trị văn hóa - giải trí ma trận muối, hang động, trượt muối, sản phẩm ẩm thực, nghỉ dưỡng - chữa bệnh khách sạn muối, biệt thự muối, làng muối.

 

Rác vốn bị coi là vấn đề bức bối tại các bờ biển do vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch biển, nhưng nếu được xử lý qua sức lao động và sáng tạo của con người, nó sẽ trở thành tài nguyên tái sinh có giá trị. Từ rác có thể tạo hình, làm vật liệu xây dựng và giá trị công nghiệp, có thể xây dựng công viên tái sinh trên biển.

 

 Tại công viên tái sinh, rác thải được thu gom sẽ được phân loại, chọn lựa để sử dụng. Khi rác thành sản phẩm du lịch, sẽ được xử lý, làm sạch trước khi bước vào quy trình sản xuất. Các sản phẩm từ rác chủ yếu được làm thủ công, kết hợp một số máy móc đơn giản.

 

Hoạt động trong công viên tái sinh đa dạng, dưới nhiều hình thức, phù hợp với nhiều đối tượng cụ thể. Việc mua bán, trao đổi sản phẩm tái sinh đem lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp sản xuất vì hàng hóa đều là tái chế, đầu tư ít, lợi nhuận cao, đặc biệt mang tính giáo dục về môi trường, tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu.

 

Bà Kim Dung - quản lý Công ty TNHH kênh du lịch Việt Nam - nhận xét, đây là một ý tưởng hay, thú vị, nếu được triển khai sớm rất tuyệt vời. Là một doanh nghiệp du lịch có lượng khách quốc tế cao, việc xây dựng tìm kiếm các tour, điểm đến độc đáo khá khó khăn, nhất là tour du lịch biển bởi sự đơn điệu, quanh đi quẩn lại chỉ có tham quan, tắm...

 

Theo bà Dung, nếu sản phẩm này được thực hiện, rất dễ thu hút khách du lịch vì tính độc đáo của nó. Trong tình hình Việt Nam còn thiếu các sản phẩm du lịch biển như hiện nay, để ý tưởng sớm được triển khai, quan trọng là doanh nghiệp và nhà khoa học cùng hợp tác.



“Nếu ý tưởng được thực hiện, không chỉ tạo sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm du lịch biển, mà còn là cách thức khai thác tài nguyên, phát triển du lịch biển bền vững, tạo thành điểm du lịch hấp dẫn, đề cao những giá trị văn hóa tinh thần của người Việt” - bà Hạnh nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Công thương