Du lịch và vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Cập nhật: 28/03/2014
Theo phân tích gần đây về những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), ngành du lịch cũng như sự phát triển kinh tế ở Việt Nam đang phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng từ vấn đề BĐKH trong vòng 30 năm tới.

 

Ông Kai Partale, chuyên gia Dự án du lịch có trách nhiệm và bền vững (Dự án EU) cho hay, dưới tác động của BĐKH, Việt Nam sẽ tiếp tục bị lũ lụt, hạn hán, nhiệt độ cao và chịu ảnh hưởng do xâm nhập mặn. Việt Nam đang cấp bách tìm kiếm giải pháp nhằm duy  trì nền kinh tế biển khi BĐKH làm trái đất nóng lên và mực nước biển tăng cao.

 

Kết quả nghiên cứu 2013 của Viện Khí tượng, Thủy văn và Môi trường Việt Nam cho thấy, cộng với ô nhiễm nặng nề, BĐKH tiếp tục phá hủy 110.000 ha san hô của Việt Nam, chỉ còn 14,5% trong 110.000 ha san hô này ở trong tình trạng tốt. Trong khi đó, theo Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, các hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH gây ra có thể làm giảm đáng kể doanh thu từ du lịch biển chiếm hơn 70% tổng doanh thu từ kinh tế biển.

 

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã cảnh báo vào năm 2020, mực nước biển dâng có thể khiến khoảng 30% thị trấn Hội An ngập lụt. Đà Nẵng cũng đang đối mặt với tác động của BĐKH bao gồm lũ lụt và xâm nhập mặn. Bởi thế, Ban chỉ đạo ứng phó với BĐKH và nước biển dâng của Đà Nẵng cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP cho biết, một sáng kiến của chính quyền địa phương sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để đánh giá tác động của BĐKH đối với các hoạt động du lịch ở địa phương đang được xây dựng cùng với một kế hoạch hành động là đẩy mạnh giảm thiểu BĐKH vào năm 2020.

 

Từ những diễn biến trên, Dự án EU đề xuất một số giải pháp để ngành du lịch giúp giảm thiểu các tác động do BĐKH gây ra. Các giải pháp được đề xuất này sẽ triển khai ở các cấp độ: Chính phủ, đoàn thể, cá nhân và du khách.

 

Theo đó, ở cấp Chính phủ, hoạt động ứng phó của Việt Nam với BĐKH nên tập trung vào các chiến lược thích ứng du lịch có cân nhắc đến các mối đe dọa tiềm tàng của ngành du lịch đối với các sản phẩm du lịch có trách nhiệm và dịch vụ tại điểm đến. Giảm nhẹ tác động của BĐKH sẽ gắn với những thay dổi công nghệ và đặc biệt là công nghệ năng lượng có hàm lượng phát tán các-bon thấp. Được biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt 61 dự án BĐKH nhằm đối phó với các vấn đề cấp bách. 15 dự án trong số đó đã nhận được nguồn vốn của Nhà nước để bắt đầu triển khai thực hiện.

 

Phân tích về tác động của BĐKH với ngành du lịch, chuyên gia Dự án EU Kai Partale cho rằng, trong khi hầu hết các mối đe dọa từ BĐKH đều nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành du lịch thì chính chúng lại thường là nguyên nhân gây tác động xấu tới lượng khách du lịch đến. Tuy nhiên, việc chuẩn bị tốt và ứng phó hiệu quả có thể giảm thiểu những tác động này, khuyến khích quá trình phục hồi trở lại bình thường càng nhanh càng tốt. Điều này sẽ giúp hạn chế sự suy giảm lượng khách du lịch đến cũng như doanh thu, giảm bớt tổn thất, việc làm, tiết kiệm thời gian và tiền bạc để đầu tư cho các chiến dịch marketing phục hồi. Do đó, cần luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch quản lý khủng hoảng du lịch cho Tổng cục Du lịch và các đối tác một cách tốt nhất đồng thời phát đi thông điệp khẳng định chắc chắn và nhất quán tới tất cả các bên liên quan – các đối tác thương mại du lịch, các phương tiện truyền thông quốc gia và quốc tế cùng các khách du lịch tiềm năng.

 

Ở cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện, chính quyền địa phương có thể thực hiện các biện pháp nâng cao nhận thức về vấn đề BĐKH với các doanh nghiệp tư nhân, công chúng, các trường học cũng như tại các hội nghị, hội thảo.

 

Các doanh nghiệp du lịch địa phương có thể xem xét và xác định cách thức áp dụng các nguyên tắc “du lịch có trách nhiệm và BĐKH”. Các chính sách BĐKH/môi trường bền vững của công ty đã được thiết lập chưa và có nhân viên chịu trách nhiệm thực hiện không? Khách du lịch cũng như các công ty du lịch có nhận thức được mục tiêu và hành động của công ty về BĐKH/tính bền vững không? Các nhà thầu trong nước và hàng hóa địa phương có được sử dụng một cách tối đa không? Khách du lịch và nhân viên của công ty có được khuyến khích tiết kiệm năng lượng và nước, giảm ô nhiễm và chất thải không? Thêm vào đó, các công ty du lịch và các khách sạn có thể xây dựng Kế hoạch tiếp tục kinh doanh để đảm bảo rằng họ được chuẩn bị kỹ càng để đối phó với bất kỳ thảm họa thiên nhiên hoặc tình huống khẩn cấp nào do BĐKH hoặc các yếu tố khác gây ra. Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS) có một số nghiệp vụ về quản lý sự cố và các tình huống khẩn cấp, thực hiện các hoạt động du lịch có trách nhiệm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn khủng hoảng.

 

Ở cấp độ cá nhân, có các biện pháp để khách du lịch có thể giảm lượng khí thải các-bon bằng cách lập kế hoạch du lịch một cách kỹ càng nhằm giảm lượng các-bon sinh ra trong một quá trình di chuyển bằng đường hàng không và đường bộ không? Các cá nhân sẽ trở thành những du khách có trách nhiệm và đóng góp vào sự bền vững của các địa điểm du lịch tự nhiên tuyệt vời của Việt Nam trong tương lai như thế nào?

 

Như khẳng định của chuyên gia Kai Partale, các vấn đề quan trọng đặt ra đối với chính quyền địa phương, các công ty du lịch, các nhân viên trong ngành và khách du lịch nói trên cần được giải đáp và thực hiện để tiếp tục xây dựng Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch tự nhiên./.

Nguồn: ĐCSVN