Nỗ lực để Sầm Sơn không còn ''chặt chém''

Cập nhật: 05/05/2014
Sầm Sơn vốn là một bãi biển đẹp của xứ Thanh nhưng lại bị tiếng xấu là hay “chặt chém” du khách, lộn xộn trong kinh doanh thương mại, vệ sinh môi trường không đảm bảo… Để “xoá” tai tiếng này, thời gian gần đây chính quyền và nhân dân thị xã ven biển này đang nỗ lực để xây dựng nơi đây thành khu du lịch biển văn minh, thân thiện, mến khách, xứng với một khu đô thị loại ba.


Điện thoại của lãnh đạo làm đường dây nóng

Sầm Sơn “mở cửa biển” vào đúng dịp lễ 1/5. Mặc dù thời tiết chưa nắng nóng nhưng từ ngày 30/4, lượng du khách đổ về bãi biển này rất đông. Đến chiều ngày 1/5 thì con đường độc đạo từ thành phố Thanh Hoá vào Sầm Sơn đông kín người, xe.

Do lượng người và phương tiện tăng đột biến nên các lực lượng CSGT, kiểm soát quân sự… được bố trí tại các điểm nút giao thông để điều hành trật tự. Trên bãi biển những ngày này, hàng du khách, tắm biển tạo nên không khí vui chơi rất nhộn nhịp. Hoà trong dòng người đông đúc nhưng màu áo đỏ mà anh Trần Văn Mau, đội viên Đội cứu hộ vẫn rất nổi bật.

Trên tay là lá cờ đỏ, đôi mắt anh luôn hướng ra biển và tuýt còi cảnh báo. Quan sát người cứu hộ này, tôi thấy rất rõ anh rất tập trung vào công việc của mình. Vốn là một ngư dân, hàng ngày rong buồm ra khơi đánh cá nhưng cứ vào mùa du lịch là anh Mau trở lại với công việc cứu hộ. Với ưu thế của một người quen với sóng gió nên việc bơi, lội là sở trường của anh.

Tìm hiểu, tôi được biết đội Cứu hộ gồm 30 thành viên đều là ngư dân. Họ là những người đàn ông khoẻ mạnh, thạo sóng biển và đều được tập huấn kỹ thuật sơ cấp cứu. Nhờ có đội “kình ngư” này mà sự an toàn của du khách khi đi tắm biển được đảm bảo.

Bên cạnh việc tổ chức đội Cứu hộ tuần tra liên tục để đảm bảo an toàn cho du khách khi tắm biển, chính quyền Sầm Sơn đã làm gì để “đẹp lòng khách đến, vui lòng khách đi”? Lâu nay Sầm Sơn bị mang tiếng không mấy tốt đẹp khi xảy ra tình trạng ép khách, bán hàng với giá cắt cổ. Thế nên bên cạnh việc động viên, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, tự giác cùng nhau xây dựng thị xã, chính quyền Sầm Sơn có biện pháp cụ thể nào?

Ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn kỳ vọng, hè 2014, bãi biển này sẽ đón tiếp 2,7 triệu du khách hàng, tăng 200.000 người so với năm trước. Việc để du khách không chỉ quay lại, mà còn tăng là cả một vấn đề. Nếu không có biện pháp cụ thể làm hài lòng du khách, rất khó để Sầm Sơn đạt được con số này.

Giải pháp mà chính quyền Sầm Sơn thực hiện trong hè năm nay ngoài việc bố trí lại hệ thống ki ốt ven biển; lập lại trật tự trên đường Hồ Xuân Hương (đường ven biển) còn là những việc làm rất cụ thể như: tổ chức hoạt động xe điện, xe đạp đôi, hàng rong, ăn uống…

Việc niêm yết giá được các cơ sở kinh doanh thực hiện 100%. Để biết việc niêm yết giá và thu tiền có đúng giá niêm yết hay không, cần có sự kiểm soát chặt chẽ. Việc này do các tổ tuần tra xử lý nóng hoạt động 24/24h thực hiện. Cùng với hoạt động của tổ tuần tra này, tại các tuyến phố chính, các điểm vui chơi UBND thị xã niêm yết số điện thoại của lãnh đạo UBND thị xã, Công an thị xã cũng như Quản lý thị trường…

Đứng đầu danh sách số điện thoại đường dây nóng là của Chủ tịch UBND Trịnh Hữu Triều. Việc đăng công khai danh sách số điện thoại của những người đứng đầu chính quyền, ngành chức năng là cách để du khách có thể nhanh chóng báo tin những bất cập để được xử lý nhanh nhất. Đồng thời, cũng để người dân biết và chấp hành nghiêm những quy định trong kinh doanh.

Trao đổi với đồng chí Hoàng Văn Toàn, phó Trưởng Công an thị xã Sầm Sơn, chúng tôi được biết, trong mấy ngày qua, số máy điện thoại của anh chỉ nhận được một cuộc điện thoại nóng.

Nội dung tin báo là của người dân sở tại, người này báo tin là chồng đi đánh bạc và đề nghị Công an đến xử lý. “Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận thông tin 24/24h và xử lý ngay. Đây là cách tiếp cận nhanh nhất giữa ngành chức năng với du khách để làm trong sạch môi trường kinh doanh thương mại ở Sầm Sơn”, đồng chí Toàn nói.

Thay đổi cách nghĩ của ngư dân khi làm du lịch

Với doanh thu năm 2013 đạt 1.250 tỷ từ hoạt động du lịch và dự kiến năm nay, Sầm Sơn sẽ thu về 1.500 tỷ đồng, lợi ích từ ngành công nghiệp không khói đem về cho thị xã ven biển này là không nhỏ. Vào mỗi dịp hè, hàng vạn người dân vùng ven biển này được hưởng lợi từ du lịch. Thế nhưng lâu nay, người dân vùng biển làm du lịch với tư duy ăn sổi đã ít nhiều làm xấu đi hình ảnh của Sầm Sơn. Để Sầm Sơn có một môi trường du lịch lành mạnh, bản thân mỗi người dân đều phải được thay đổi về nhận thức. Bởi chính họ là người quyết định kéo du khách đến hay đuổi du khách đi.

Những lời phàn nàn về bị “chặt chém” ở biển Sầm Sơn trên các mạng xã hội vài năm trước đây là minh chứng cho thấy, việc “đuổi” du khách của một bộ phận nhỏ người dân Sầm Sơn. Thế nên, bên cạnh các biện pháp mang tính chất răn đe, việc tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức rất quan trọng. Cùng với việc tuyên truyền, việc tổ chức quản lý cũng là giải pháp căn cơ để trật tự thương mại ở đây được lập lại.

Khi tham quan thị xã trên chiếc xe điện của anh Huấn, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện rất cởi mở. Theo anh Huấn, anh đã đầu tư 160 triệu đồng để mua chiếc xe điện cũ này. Ngoài số tiền vốn này, dịp hè anh phải nộp cho công ty 5 triệu đồng dịch vụ. Mặc dù số tiền này không nhỏ nhưng được hoạt động trong một tổ chức, lại được giám sát thường xuyên nên anh có ý thức hơn trong việc phục vụ khách. Thông thường, trước khi khách lên xe hai bên đều có thoả thuận về giá. Đây là cách làm tốt nhất để tránh xảy ra tranh chấp, gây phiền hà cho cả hai.

Tại chợ Cột Cờ, một chợ lớn của Sầm Sơn, hoạt động mua bán khá nhộn nhịp. Cũng tại đây, chúng tôi được người bán hàng tâm sự rằng, với những khách hàng mặc cả giá thấp, họ vẫn bán. Chỉ có điều, trọng lượng mỗi kg hải sản đều bị ăn bớt. Thế cho nên mới có chuyện, khách đến hỏi mua, người bán hàng hỏi, “mua cân 10 lạng hay 8 lạng”.

Tại một số cửa hàng bán hải sản trên các tuyến phố bên trong thị xã, vì phải trả hoa hồng cho người lái xe điện, nên không tránh khỏi tình trạng cân thiếu cho khách. Để chấn chỉnh hoạt động này, đề nghị ngành chức năng ở Sầm Sơn phải có biện pháp căn cơ hơn nữa.

Sầm Sơn đang được đầu tư, nâng cấp để trở thành một đô thị loại 3. Đây vừa là lợi thế, vừa là thách thức đối với chính quyền và nhân dân bãi biển đẹp vào bậc nhất miền Bắc này. Trong dịp lễ dài ngày này, ngoài việc tổ chức lễ “mở cửa biển” hoành tráng Sầm Sơn còn khai trương sân golf tại khu du lịch sinh thái Quảng Cư. Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cách thức phục vụ cũng là yếu tố quan trọng để hút du khách.

Nguồn: cand.com.vn