Du lịch Hà Nội-Quảng Ninh-Hải Phòng: Liên kết để cùng phát triển

Cập nhật: 13/05/2014
Cuối tháng 4, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã tổ chức chuyến khảo sát nhằm kết nối các điểm đến mới thú vị cho du khách trong mùa du lịch hè sắp tới tại các huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và đảo Cát Bà, Hòn Dấu, làng chài Việt Hải (Hải Phòng). Từ cuộc khảo sát, cơ quan chức năng đã khẳng định việc liên kết giữa các địa phương để cùng phát triển du lịch hiện là nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Sức hút từ tài nguyên biển đảo

Được thiên nhiên ưu đãi ban cho nhiều cảnh đẹp và có truyền thống lịch sử lâu đời, Quảng Ninh rất giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Toàn tỉnh hiện có 600 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, trong đó nổi bật nhất là vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và được vinh danh là Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Bên cạnh đó, với dải bờ biển dài, nhiều bãi biển tự nhiên độc đáo cộng với hệ thống rừng ngập mặn đặc sắc, nhiều hồ nước ngọt lồng ghép với chuỗi đồi, núi là điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển du lịch sinh thái. Tỉnh cũng có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như danh lam thắng cảnh Yên Tử; quần thể di tích chiến thắng Bạch Đằng. Nhờ đó, sản phẩm du lịch của Quảng Ninh rất đa dạng, hội tụ đầy đủ các yếu tố từ núi rừng, biển đảo, sông hồ cho đến các di tích lịch sử.

 

Cát Bà là điểm du lịch thu hút khách của Hải Phòng. Ảnh: Gia Hiếu


Còn với Hải Phòng, hệ thống vịnh, đảo tuyệt đẹp như đảo Cát Bà, đảo Bạch Long Vĩ, vịnh Lan Hạ và hệ thống hang động thạch nhũ có một không hai: Thiên Long, Trung Trang, Quân Y, Hoa Cương… là những điểm nhấn khiến du khách khó có thể bỏ qua. Không chỉ có biển đảo, thành phố cảng nghìn năm tuổi Hải Phòng còn có nhiều nguồn tài nguyên đặc sắc khác, điển hình là chùa tháp Tường Long ở đỉnh núi Ngọc (Đồ Sơn) được xây từ thời vua Lý Thánh Tông; hệ thống các đình, chùa thời Lý - Trần - Lê với giá trị kiến trúc, mỹ thuật đặc sắc, như: chùa Long Hoa, chùa Thiên Vũ, chùa Dư Hàng, thành cổ Dương Kinh - một Thăng Long thu nhỏ tồn tại từ năm 1527-1592 thời nhà Mạc với nhiều di tích khảo cổ quý giá… Bên cạnh đó, hệ thống kiến trúc của đô thị thương cảng tại nhiều khu phố cổ, bến cảng, chợ cũ cũng là một thế mạnh của Hải Phòng.

Liên kết - giải pháp để phát triển

Cho đến nay, việc liên kết cùng làm du lịch giữa các tỉnh phía Bắc nói chung và đặc biệt giữa Thủ đô với Hải Phòng, Quảng Ninh nói riêng còn tương đối hạn chế. Đơn cử là việc kết nối các tour du lịch của hai vùng đất cùng có tiềm năng du lịch biển đảo là Hải Phòng và Quảng Ninh. Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh không chỉ có điều kiện thu hút khách du lịch đường bộ qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái mà còn có hệ thống cảng biển đa dạng, trực tiếp nối với Hồng Kông, Ma Cao, Hải Nam (Trung Quốc) nên hằng năm tỉnh này đón hàng trăm tàu biển du lịch quốc tế đến Hạ Long, trong số đó có rất nhiều đoàn nối tour sang tham quan Hải Phòng. Và ngược lại, cùng với lợi thế về đường bộ, đường sắt, đường biển, Hải Phòng có sân bay Cát Bi là điểm trung chuyển khách trong vùng Duyên hải Bắc bộ, đồng thời là điểm đến của các đoàn khách có nhu cầu tham quan Hải Phòng, Quảng Ninh. Thế nhưng, tính liên kết giữa hai địa phương còn yếu, thể hiện ở chỗ một số điểm du lịch của Hải Phòng và Quảng Ninh được các công ty lữ hành của hai địa phương đưa vào tour tự phát thiếu bài bản. Bên cạnh đó, sự trùng lặp về sản phẩm du lịch giữa hai tỉnh còn khá phổ biến, ảnh hưởng đến sức hấp dẫn chung về du lịch của địa bàn. Và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến hai địa phương, đặc biệt là Hải Phòng còn chưa cao. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa Hà Nội với Hải Phòng, Quảng Ninh trong việc làm du lịch cũng rất mờ nhạt.

Theo ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội, cho đến nay, du lịch biển đảo của các tỉnh phía Bắc về cơ bản chưa phát triển. Hải Phòng gần như chỉ có Đồ Sơn, còn Quảng Ninh thì tập trung vào vịnh Hạ Long. Để khai thác triệt để những tiềm năng du lịch biển đảo, cần có hành động thiết thực hơn trong việc liên kết với các địa phương khác, trong đó Hà Nội đóng vai trò quan trọng nhất. Với 7,2 triệu dân và lượng khách quốc tế là 2,5 triệu lượt/năm, Hà Nội là nơi cung cấp khách du lịch hàng đầu cho hai tỉnh trên. Có kinh nghiệm làm du lịch từ rất lâu với lực lượng hùng hậu gần 500 công ty lữ hành, Hà Nội cũng có thể giúp Quảng Ninh, Hải Phòng trong nhiều lĩnh vực, như giúp Cô Tô đào tạo nguồn lực làm du lịch - hiện là mảng trống của huyện đảo này; giúp thị xã Quảng Yên, nơi có di tích chiến thắng Bạch Đằng lẫy lừng phát triển các công ty lữ hành bởi hiện nay cả thị xã chưa có một đơn vị lữ hành nào để quảng bá, phát triển du lịch. "Tôi cho rằng sự hợp tác nếu được tổ chức đúng hướng và có sự gắn kết giữa chính quyền với các doanh nghiệp du lịch thì chắc chắn sẽ thành công. Trước mắt, Hà Nội sẽ khai thác du lịch Cô Tô, hòn đảo chưa phát triển thành sản phẩm du lịch theo đúng nghĩa. Thứ hai là đảo Bạch Long Vĩ xa xôi hơn, nhưng lại mang đến yếu tố mới lạ, còn rất ít người biết đến. Nếu làm tốt việc liên kết thì ngoài việc mang lại giá trị kinh tế còn góp phần nâng cao ý thức chủ quyền của đất nước và đặc biệt là chủ quyền biển đảo, tự hào dân tộc", ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

 

Nguồn: hanoimoi.com.vn