Để bảo vệ du khách tắm biển một cách an toàn, các tình nguyện viên trong đội cứu hộ, cứu nạn và sơ cấp cứu trên biển được tuyển chọn là những người có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm cao và kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả. Hằng năm, trước mỗi mùa du lịch, các tình nguyện viên đều được tập huấn quy trình về 5 kỹ năng cấp cứu và các phương pháp phòng ngừa. Trên bãi biển, lực lượng tình nguyện viên được chia thành 3 tổ, cắm chốt tại 3 bãi tắm A, B, C và được trang bị 2 xuồng cứu hộ, 3 chòi canh, 12 điểm quan sát dưới bãi tắm, 1 xe cứu thương và dụng cụ y tế, phao cứu sinh... Hằng ngày, đội cứu hộ và quản lý bãi tắm có mặt từ rất sớm để kiểm tra bãi tắm, khi có đông du khách tập trung cao độ, cắm cờ tại các điểm nguy hiểm, liên tục quan sát, túc trực ngay mép nước để cảnh báo, nhắc nhở du khách không tới gần các khu vực có vùng nước xoáy hay ra quá xa bãi biển. Khoảng 20m thì có một tình nguyện viên cứu hộ đứng quan sát du khách tắm biển, nếu phát hiện sự cố sẽ khẩn trương ứng cứu đồng thời phối hợp với các lực lượng liên quan làm công tác cấp cứu ban đầu. Ngoài ra ở khu vực xa bờ còn có 2 xuồng và 4 nhân viên cứu hộ.
Là người có thâm niên trong nghề, anh Cao Văn Đồng, cho biết: Điều quan trọng nhất đối với người làm công tác cứu hộ trên biển là phải hiểu biết về biển, về con nước, quy luật thay đổi dòng chảy theo thời tiết. Đồng thời phải có nghiệp vụ vững vàng, liên tục quan sát, nhằm phát hiện đối tượng trong khu vực nguy hiểm hoặc có nguy cơ đuối nước, say sóng, say nắng... để nhắc nhở hoặc ứng cứu kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng cho du khách.
Với tinh thần trách nhiệm cao, mùa du lịch năm 2013, đội tình nguyện cấp cứu biển đã cứu vớt được 265 trường hợp, trong đó cứu vớt và sơ cấp cứu ban đầu 239 trường hợp, can thiệp y tế và chuyển viện 20 trường hợp... Từ đầu mùa du lịch 2014 đến cuối tháng 5, đội tình nguyện cấp cứu biển đã khôbaong để xảy ra sự cố nào đáng tiếc và đã cứu vớt được 25 trường hợp. Trong đó 20 trường hợp được cứu vớt và sơ cấp cứu tại chỗ, 4 trường hợp phải can thiệp y tế tại Bệnh viện Đa khoa Sầm Sơn, không có trường hợp nào tử vong. Điển hình như vụ cứu nạn, sơ cứu cho chị Cù Thị Duyên, 32 tuổi, huyện Ý Yên (Nam Định); chị Hoàng Thị Thu, 19 tuổi, xã Quảng Tân (Quảng Xương); anh Lê Quốc Khánh, 51 tuổi, phường Bắc Sơn (Sầm Sơn)...
Bà Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị xã Sầm Sơn, cho biết: Với lực lượng tình nguyện viên cứu hộ chuyên nghiệp và hệ thống cơ sở vật chất bảo đảm, Hội Chữ thập đỏ Sầm Sơn đã thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc xảy ra với du khách khi tắm biển. Để bảo đảm an toàn cho bản thân, mỗi người phải có ý thức tự bảo vệ mình khi tắm biển bằng cách trang bị phao bơi, tắm biển theo nhóm, thực hiện nghiêm theo chỉ dẫn của lực lượng cứu hộ, cứu nạn; chỉ tắm ở khu vực an toàn, tuyệt đối không được tới gần khu vực cảnh báo nguy hiểm có cắm cờ, không bơi quá xa đề phòng tình trạng lật phao, trôi phao hay rơi vào vùng nước xoáy có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.