Việt Nam triển khai kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh

Cập nhật: 04/07/2014
Ngày 2/7, tại Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dưới sự hỗ trợ đỡ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đã triển khai kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh Việt Nam.


Theo ông Bùi Quang Vũ, Vụ phó Vụ Khoa học-Giáo dục và Tài Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ nay đến năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo định hướng tăng trưởng xanh.

Theo kế hoạch, bộ tập trung lồng ghép chương trình hành động quốc gia tăng trưởng xanh với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Các bộ, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch hành động, lập danh mục chương trình, dự án thí điểm; ban hành hướng dẫn đầu tư xanh, vận hành quỹ hỗ trợ đầu tư xanh; ban hành khung hướng dẫn về kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh và đề xuất cơ chế huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng xanh với sự tham gia của khu vực tư nhân.

Tổng kinh phí để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh ước khoảng 30 tỷ USD, hiện đã huy động được 7,52 triệu USD, trong đó Chính phủ Bỉ đóng góp 6,83 triệu USD, Chính phủ Việt Nam đóng góp 680.000 USD lập quỹ hỗ trợ tăng trưởng xanh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 17 giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi chiến lược tăng trưởng xanh và quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng; giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất, vận tải, thương mại; từng bước thay đổi cơ cấu nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp và giao thông như sử dụng nguồn năng lượng mới, sạch, tái tạo, ít phát thải khí nhà kính; giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững bằng cách chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng; tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, trồng rừng nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 45% (năm 2020).

Chiến lược cũng đề cập rõ đến giải pháp hạn chế dần các ngành kinh tế làm phát sinh chất thải lớn hoặc gây ô nhiễm, suy thoái môi trường song song với phát triển các ngành “sản xuất xanh” trên cơ sở kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải hiệu quả.

Ngoài ra, các công trình giao thông, năng lượng, thủy lợi được xây dựng mới phải thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, công trình điện phải giảm hệ số đàn hồi từ 2,0 hiện nay xuống còn 1,0 trong năm 2020.

Việc quy hoạch các đô thị mới phải đáp ứng các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị sinh thái. Đối với các đô thị đã xây dựng trước đây phải cải tạo theo hướng xanh hóa cảnh quan.

Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1393). Theo đó, Chương trình hành động quốc gia về tăng trưởng xanh đề ra ba nhiệm vụ là giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là từ nay đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8-10% (so năm 2010), giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP là 1-1,5% mỗi năm; giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10-20% so với phương án phát triển bình thường; thực hiện chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, phát triển “công nghiệp xanh,” “nông nghiệp xanh” thân thiện với môi trường nhằm mục đích đến năm 2020 giá trị sản phẩm công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP đạt 42-45%./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+