Sầm Sơn (Thanh Hóa): Đang rũ bỏ những điều tiếng xấu

Cập nhật: 07/08/2014
Cách đây khoảng 1 năm, cứ nhắc tới Sầm Sơn là người ta lại nhớ tới những vụ “chặt chém” khách du lịch khét tiếng, những vụ ép khách ăn nghỉ trắng trợn, kiểu làm ăn chụp giật khiến khách bức xúc tới mức thề không quay trở lại, rồi kêu gọi tẩy chay du lịch Sầm Sơn. Còn bây giờ, đến Sầm Sơn, mọi việc đã rất khác.

Một trong những mấu chốt làm thay đổi tình hình ở Sầm Sơn 1 năm trở lại đây là việc “thay máu” bộ 3 lãnh đạo chủ chốt của thị xã. Đồng thời, Đảng ủy, chính quyền thị xã đang triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ để từng bước nâng cao chất lượng du lịch tại Sầm Sơn. Thị xã tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó chú trọng kiểm tra và hướng dẫn các cơ sở kinh doanh niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

 

 

Các cơ quan chức năng phối hợp với các cơ sở kinh doanh thực hiện công bố hằng ngày giá các loại hàng hóa trên địa bàn để nhân dân và du khách biết. Cương quyết xử lý, phạt nặng, đóng cửa không cho kinh doanh hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi ép giá, ép khách, không công khai giá bán các mặt hàng hóa, dịch vụ.

 

Mới đây, ngày 8.7, bà Nghiêm Thị Hằng, chủ nhà nghỉ Hường Hằng, địa chỉ số 15, đường Lê Hoàn, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn bị phạt 20 triệu đồng thu thêm tiền nhà nghỉ của khách so với giá niêm yết (từ 600.000 đồng thu lên 650.000 đồng) và buộc phải trả lại khách số tiền thu thêm. Trước đó, chủ kiot số 7 tại phường Trường Sơn (Sầm Sơn) cũng bị xử phạt 20 triệu đồng do thu tiền giữ xe máy của khách 10.000 đồng, trong khi quy định chỉ có 4.000 đồng.

 

 

Dư luận và lãnh đạo của tỉnh Thanh Hóa đang kỳ vọng chiến dịch “bàn tay sắt” của thế hệ lãnh đạo mới ở thị xã này sẽ xóa được những hành vi và cách ứng xử làm du khách ức chế, tức giận.

 

Để khách du lịch có kỳ nghỉ thực sự ở Sầm Sơn, đích thân Chủ tịch thị xã đã đăng ký một số điện thoại riêng để làm đường dây nóng, trực 24/24h công bố trên phương tiện truyền thanh thị xã và các bảng báo giá tại các ki ốt, bãi biển, tiếp nhận phản ánh của khách du lịch bất kỳ lúc nào.

Ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn tha thiết đề nghị khách du lịch, nếu gặp sự việc gì không hay khi đi du lịch Sầm Sơn hãy gọi điện báo ngay cho ông hoặc số điện thoại của Trưởng công an thị xã, Đội trưởng quản lý thị trường, Đài Phát thanh - truyền hình Sầm Sơn, Cảnh sát 113 Sầm Sơn...

 

Chính vì thế, đến Sầm Sơn bây giờ rất khác. Thay đổi toàn diện thì có thể chưa nói được nhưng đã thay đổi rất lớn. Đường phố sạch đẹp hơn, giá cả minh bạch và khách rất hiếm khi bị làm phiền.

 

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn Trịnh Huy Triều thừa nhận, du lịch Sầm Sơn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là cơ sở lưu trú kém, hiện nay chỉ duy nhất có một khách sạn 3 sao; tính mùa vụ chưa được khắc phục, vẫn là du lịch một mùa; sản phẩm du lịch đơn thuần là tắm biển; chất lượng nguồn nhân lực yếu.

Một điều không thể chối cãi là văn hóa ứng xử trong các hộ kinh doanh ở Sầm Sơn rất kém bởi đây đa phần là nông dân, ngư dân, tranh thủ thời vụ làm du lịch để kiếm sống (chưa được đào tạo, giáo dục, tập huấn kiến thức về du lịch và văn hóa ứng xử, cách làm du lịch chuyên nghiệp...).

 

Bên cạnh đó, nguyên nhân chính nữa là thời gian dài thị xã đã buông lỏng công tác quản lý, không có sự thống nhất trong quản lý, việc ra định mức thu thuế các kiot, dịch vụ còn nhiều bất cập…, điều này dẫn tới khi bị thu thuế cao, bắt buộc các quầy hàng đẩy giá, ép khách để thu hồi vốn bỏ ra đấu thầu, thuê kinh doanh.

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt cho biết: “Sầm Sơn - bài học đau đớn của Thanh Hóa về công tác tổ chức cán bộ. Chúng tôi vất vả vì Sầm Sơn rất nhiều. Thậm chí chúng tôi còn có khẩu hiệu “Thanh Hóa vì Sầm Sơn, Sầm Sơn vì Thanh Hóa”, quyết tâm chấn chỉnh, lấy lãnh đạo làm gương, lấy dân làm gốc để gột rửa đi những tai tiếng không hay.

 

Bây giờ, chúng tôi đang tính đến phương án không chỉ khai thác du lịch trong 3 tháng (khắc phục tính mùa vụ) mà phải kéo dài cả năm. Không chỉ tập trung đầu tư nhà hàng, khách sạn, nơi vui chơi giải trí mà còn xây sân golf, khu đô thị Quảng Cư đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng cao của khách du lịch, xây dựng đường Hồ Xuân Hương làm đường chính, là bộ mặt của thị xã”.

 

 

Cũng theo ông Vương Văn Việt, sự lộn xộn trong kinh doanh và môi trường du lịch hiện nay ở Sầm Sơn rất khó chấp nhận. Nhưng phải nói thẳng là ở Sầm Sơn có quá nhiều nhà nghỉ, nhà khách, trung tâm điều dưỡng, khách sạn của các Bộ, ngành trung ương. Tỉnh dành đất để xây khu nghỉ cho các Bộ, ngành nhưng những chỗ này không kinh doanh mà lại trốn thuế. Nếu không chuyển đổi cơ chế thì những chỗ này sẽ vẫn làm ăn lay lắt, nghiệp dư, không được đầu tư, nâng cấp và Nhà nước cũng chẳng thu được gì.

Tin, bài: Lại Thúy Ảnh

Ảnh: Thế Phi

Nguồn: Báo Văn hóa