Phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 11/08/2014
Tháng Ngày 6/8/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã họp góp ý đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” và dự thảo đề án “Thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch vùng ĐBSCL”do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn chủ trì.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn nêu rõ: Thời gian qua sự phát triển du lịch vùng ĐBSCL chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng; lượng khách quốc tế đến khu vực còn hạn chế, thời gian lưu trú ngắn; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp, kém sức cạnh tranh; giao thông kết nối điểm đến còn khó khăn; đầu tư chưa tới, nhân lực thiếu chuyên nghiệp, tiếp thị điểm đến còn nhỏ lẻ… Để phát triển du lịch vùng ĐBSCL xứng với tiềm năng, lợi thế mang cấp độ vùng; phải có chương trình hành động cụ thể, với lộ trình kế hoạch phù hợp, phân công nhiệm vụ chi tiết các cơ quan trung ương và địa phương, hiệp hội du lịch, đảm bảo lực lượng thực hiện trên cơ sở có cơ quan điều phối chung.

 

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch 

PGS. TS Phạm Trung Lương trình bày hai đề án


Tại cuộc họp, các đại biểu đã được nghe trình bày của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch về Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL”. Theo đó, khu vực ĐBSCL tuy có tiềm năng, lợi thế lớn về du lịch nhưng mới chỉ phát triển nhỏ lẻ chứ chưa có một sản phẩm chung, cần chọn một hình thức đặc thù để mỗi tỉnh có một vai trò riêng trong cấu thành chung của vùng. Đề án tham mưu cho khu vực ĐBSCL xây dựng hai sản phẩm du lịch đặc thù cấp quốc gia và các sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng.  



Sản phẩm du lịch đặc thù cấp quốc gia phải được xây dựng dựa trên nguồn tài nguyên du lịch cấp quốc gia, cụ thể, khu vực ĐBSCL có cảnh quan sông nước gồm các hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, hệ sinh thái biển đảo Phú Quốc, 4 cù lao nổi tiếng Long – Lân – Quy – Phụng; sinh hoạt và sinh kế của người dân trên sông nước gồm các chợ nổi trên biển (tiêu biểu là chợ nổi Phong Điền, Cái Bè, Cái Răng, Phụng Hiệp) và văn hóa sông nước cùng với nghệ thuật đờn ca tài tử. Dựa trên cơ sở đó,  ở cấp quốc gia, sản phẩm du lịch thứ nhất sẽ là “Trải nghiệm cuộc sống sông nước của cộng đồng ở hạ nguồn sông Mê Kông”, với không gian là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ và Đồng Tháp – Long An, du khách sẽ trải nghiệm lối sống và văn hóa cộng đồng vùng sông nước, phương thức canh tác nông nghiệp vùng ven sông và trên các cù lao, giá trị di sản văn hóa – đờn ca tài tử được xem là một cấu thành không thể tách rời của cuộc sống sông nước cộng đồng hạ nguồn sông Mê Kông. Thứ hai là “Trải nghiệm giá trị sinh thái đất ngập nước hạ nguồn sông Mê Kông”, với sinh cảnh đất ngập nước nội địa Đồng Tháp Mười: Đồng Tháp và Long An; sinh cảnh đầm nước nội địa trên than bùn (rừng U Minh): Kiên Giang và Cà Mau; sinh cảnh đất ngập nước ven biển (rừng ngập mặn): Cà Mau và Bạc Liêu.



Sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng của khu vực ĐBSCL sẽ dựa vào nguồn tài nguyên du lịch cấp vùng là bãi biển Phú Quốc, địa hình karst tại Hà Tiên, lễ hội Vía Bà chúa Xứ tại An Giang, văn hóa Khmer tại Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng và hệ thống sông Vàm Cỏ tại tỉnh Long An và Tiền Giang. Theo đó, các sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng của khu vực sẽ gồm: nghỉ dưỡng biển – đảo Phú Quốc – Hà Tiên (Kiên Giang); trải nghiệm văn hóa tâm linh (núi Sam – An Giang) và văn hóa Khmer (Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang); trải nghiệm cảnh quan sông nước sông Vàm Cỏ.



Tiếp theo, phiên họp được nghe giới thiệu đề án “Thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch vùng ĐBSCL”. Tổ chức được thành lập với nhiệm vụ chính là điều phối hoạt động du lịch chung của cả vùng ĐBSCL và thống nhất kế hoạch phát triển của các địa phương theo kế hoạch, định hướng phát triển du lịch chung của cả vùng. Dự kiến cơ cấu Ban Điều phối sẽ gồm đại diện lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Cục VHTTDL phía Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, lãnh đạo UBND các địa phương và Hiệp hội Du lịch ĐBSCL.


Cũng tại phiên họp, các đại biểu cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp, bổ sung để hoàn thiện hai Đề án.

 

Nguồn: VTR