Phố “hàng độc” ở Buôn Đôn?

Cập nhật: 14/08/2014
Theo các vị già làng và những người lão luyện trong nghề săn bắt voi ở buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, hiện nay trên địa bàn Buôn Đôn có gần 50 con voi lớn nhỏ. Ấy vậy mà, các quầy bán hàng lưu niệm ở đây lại bày bán công khai các sản phẩm được làm từ voi? Đáng chú ý, ở đây còn bán các "sản vật" được chế tác từ những loài động vật đang nằm trong danh sách đỏ như voọc, hổ, báo, bò tót...

Cái gì cũng là đồ thật?

Những ngày ở Buôn Đôn, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là các "hàng độc" được bày bán công khai tại dọc khu "phố voi". Cũng như bao du khách khác, chúng tôi muốn sau chuyến đi du lịch ở Buôn Đôn mua được những món quà thật ý nghĩa tặng bạn bè, người thân. Vào quán đầu tiên, chúng tôi được người chủ mời chào: "Các anh tìm hàng gì cứ lựa chọn thoải mái, toàn đồ thật cả đấy. Ở quán của em, đồ lưu niệm hầu như được chế tác từ voi và được đặt hàng ở những nơi có "uy tín", nên các anh cứ yên tâm, giá cả lại phải chăng".

Vị chủ quán khi thấy có khách vào như "nắng hạn gặp mưa" săn đón đến mức, chúng tôi cảm thấy khó chịu. Chị còn thông thạo cả về xem số mệnh. Chị chứng minh rằng, các anh nên mua chiếc nhẫn này, sau đó mua thêm chiếc lông đuôi voi nữa luồn qua. Nhẫn lông đuôi voi linh thiêng lắm, có thể khử ma trừ tà. Nếu là vợ chồng khi đeo nhẫn này vào, sẽ gắn bó với nhau đến đầu bạc răng long.

Chúng tôi hỏi lại vị chủ quán: "Những chiếc lông đuôi voi này có thật không, giá cả như thế nào?". Vị chủ quán đáp: "Đồ thật 100% đấy. Chúng tôi là những người làm ăn lâu năm ở đây, đâu dám lừa dối khách hàng. Giá cả lại vừa với túi tiền của mọi người. Chiếc lông đuôi voi chỉ với 50 nghìn, kèm chiếc nhẫn kia giá 200 nghìn, quý vị đã có chiếc nhẫn như lá bùa hộ mệnh rồi".

Tiếp tục chuyến hành trình khám phá, tại quán bán đồ lưu niệm thứ hai, chúng tôi càng ngạc nhiên hơn, khi chứng kiến cách mời chào của chủ quán về các sản vật được làm từ voi. Cô này bảo: "Kia là những chiếc lược được làm từ xương voi. Còn những chiếc vòng này được làm từ ngà voi, đặc sản của vùng đất Tây Nguyên đấy. Do quý hiếm, nên chúng tôi phải gom "hàng" từ các tỉnh lân cận, rồi "hợp tác" với những người săn voi lão luyện mới có". Chúng tôi hỏi lại: "Đồ này là thật hay giả? Giá cả như thế nào?".

Vị này nhanh nhảu đáp lại: "Là hàng thật 100%, tôi sẽ chứng minh cho các anh thấy là đồ thật. Sau khi châm lửa đốt, nếu không bốc mùi khét lẹt là đồ thật. Giá mỗi chiếc lược làm bằng xương voi 40 nghìn, vòng đeo tay bằng ngà voi 100 nghìn".

Tại các quán bán đồ lưu niệm không chỉ bày bán các "đặc sản" làm từ voi, mà còn làm từ động vật hoang dã, thậm chí có cả những loại động vật quý hiếm, đang nằm trong danh sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng như voọc, hổ, báo, bò tót, tê giác... Điều đáng ngạc nhiên là những thứ hàng này được mời chào ở mức giá có thể gọi là rất bèo bọt. Với khoảng vài trăm ngàn là du khách có được nhiều món đồ như ý làm bằng sừng bò tót, sừng tê giác, đầu beo, da hổ...

Cẩn thận với các món đồ "giả cầy"

Ở buôn Trí A có một "món" hàng nữa đã từng nức tiếng cả nước, đó là "thần dược" Amakông. Theo chúng tôi được biết, đó là loại thuốc được chế tác khá công phu của huyền thoại vua săn voi Amakông. Và đây cũng là một mặt hàng được chủ các quầy hàng lưu niệm bày bán. Khi chúng tôi hỏi về giá của mỗi thang thuốc ở các ki-ốt, thì đều được trả lời, giá không ổn định. Nhưng nhìn chung là giá rất rẻ. Có ki-ốt chào bán với giá 50 nghìn đồng/thang, 60 nghìn đồng/thang, 100 nghìn đồng/thang... Và đều được các chủ quán khẳng định chắc như đinh đóng cột: Hàng thật 100%.

Để kiểm chứng thực hư như thế nào, chúng tôi đã tới nhà của vua săn voi Amakông và được bà Sáo Bua (SN 1944), là con gái thứ hai của vua săn voi chia sẻ: "Chúng tôi rất tôn trọng và sẽ lưu giữ bí quyết chế tác thuốc "thần dược" do bố tôi để lại. Chúng tôi không cho bày bán công khai như ở các quán bán hàng lưu niệm. Nhiều người biết thuốc của chúng tôi có tác dụng chữa được các bệnh liên quan đến xương khớp nên đã "nhái", thậm chí in cả hình của bố tôi lên đó. Chúng tôi khuyên khách hàng nên vào trực tiếp tại nhà thuốc mới đảm bảo chất lượng. Khách hàng hãy cẩn thận với các món đồ "giả cầy" kẻo không lại tiền mất tật mang. Do "thần dược" được làm khá công phu và có sự kết hợp nhiều vị thuốc quý hiếm, nên giá mỗi thang từ 250 nghìn đến 500 nghìn đồng/thang. Nếu khách hàng đặt gói lớn thì có giá khác".

Ông Nguyễn Văn Chuyền, Phó Trưởng Công an xã Krông Na cho biết: "Hiện nay, số lượng voi ở Buôn Đôn có thể đếm được, không nhiều đến mức có đủ nguồn cung cấp cho nhu cầu của khách hàng. Chuyện các ki-ốt ở buôn Trí A rêu rao bán "hàng độc" là không đúng. Các chủ quán công khai mời chào các sản vật làm từ voọc, hổ, báo, bò tót, tê giác... lại càng không thật, bởi đó là những loại động vật không chỉ ở Việt Nam, mà ở các nước trên thế giới đều được liệt vào danh sách đỏ, có nguy cơ bị xóa sổ".

Ông Chuyền cho biết thêm: "Những món "hàng độc" đó được làm từ nhựa tổng hợp, các chủ quán đặt tại các cơ sở sản xuất trong nước. Chúng tôi cũng khuyên du khách nên cẩn thận trong chuyện mua sắm, hết sức cảnh giác với lời mời đường mật của các nhà hàng".


Chúng tôi trao đổi những vấn đề trên, thì được một người dân sống gần đó buồn rầu, thở dài: "Thật đáng buồn, hiện nay, số lượng voi ở Tây Nguyên đang trên đà suy giảm nhanh. Ngày trước, ở Buôn Đôn hễ cứ ra đường là gặp voi, còn bây giờ, voi đang trên đà suy kiệt dần. Thế nhưng, chẳng hiểu sao họ lại săn được "hàng độc" làm từ voi nhiều như thế?".

Vũ Long

Nguồn: Báo Biên phòng