Khánh thành dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Thái Bình Lâu

Cập nhật: 31/03/2015
Thái Bình lâu - một trong những công trình kiến trúc quan trọng thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã được đưa vào sử dụng sau gần 5 năm triển khai thực hiện công tácbảo tồn, tôn tạo.

Thái Bình Lâu. Nguồn: internet
 

Thái Bình Lâu được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1919, đến năm 1921 thì hoàn thành để nhà vua có thể nghỉ ngơi lúc rảnh rang, cũng là chỗ để nhà vua đọc sách. Trải qua nhiều thập kỉ, do tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, hệ khung gỗ của di tích này bị xuống cấp trầm trọng, phải chống đỡ tạm thời bằng hệ thống trụ sắt và giàn giáo.


Trước thực trạng đó, từ tháng 8/2010, dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị cụm di tích Thái Bình Lâu - Vườn Thiệu Phương, Đại nội Huế đã được khởi động với tổng giá trị đầu tư gần 17,42 tỷ đồng gồm các hạng mục như: trùng tu Tiền doanh và Hậu doanh, phục hồi, tu bổ, gia cường hệ khung gỗ, hệ mái, hệ thống chiếu sáng, cảnh quan sân vườn…


Thái Bình Lâu là một tòa nhà hai tầng bằng gỗ cao hơn 9m, nằm giữa một khuôn viên hình chữ nhật rộng 32m, dài 58m. Công trình gồm tiền sảnh, chính doanh, hậu doanh nối liền nhau bằng hai máng thoát nước. Mặt nền cao hơn đất 1m, mặt trước là bốn cột xây bằng gạch trát vữa. Phía trước có 3 chữ Thái Bình Lâu và hai bên là hai bài văn do vua Khải Định ngự chế. Mái được lợp bằng ngói âm dương tráng men vàng với nhiều trang trí rất đẹp và lộng lẫy như hình những con dơi tượng trưng cho Ngũ Phúc và hai bờ nóc đắp nổi hai hình hồi long đầy uy lực. Hậu doanh có 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói liệt, hai đầu hồi có đắp nổi đề tài Hải ốc thiêm trù với hình ảnh ba ông già chúc thọ cho nhau.


Việc hoàn thành bàn giao, đưa công trình Thái Bình Lâu vào sử dụng có ý nghĩa to lớn trong nâng cao chất lượng phục vụ du khách, góp phần để Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quyết tâm thực hiện thắng lợi Đề án phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đến năm 2020 và Đề án điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Nguồn: Cinet