Bắc Giang: Mở hướng đi cho du lịch cộng đồng

Cập nhật: 28/12/2015
Năm 2014, UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2020, trong đó mục tiêu sẽ hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng ở một số nơi, qua đó sẽ mở ra những cơ hội mới xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn.

 

Tại Bắc Giang, với lợi thế các khu rừng nguyên sinh, đồng bào ít người có nhiều bản sắc, ẩm thực độc đáo... du lịch cộng đồng đã chớm hình thành ở một số nơi. Từ năm 2010, loại hình du lịch này đã xuất hiện tại xã An Lạc, Tuấn Mậu (Sơn Động) khi nhiều khách nước ngoài có nhu cầu trải nghiệm, lưu trú dài ngày. Người dân sở tại đã được hưởng lợi từ mô hình. Tuy nhiên, ngoài An Lạc được đầu tư quy mô nhỏ, còn lại những nơi được đánh giá có tiềm năng riêng như: bản Xoan, xã Xuân Lương (Yên Thế), bản Khe Nghè, xã Lục Sơn (Lục Nam), Khuôn Thần (Lục Ngạn), Đồng Cao (Sơn Động)… chưa được đầu tư, khai thác. Toàn tỉnh mới có 5 nhà nghỉ lưu trú phục vụ du lịch cộng đồng nhưng chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh, ăn uống, trang bị khác như chăn, màn, phương tiện nghe nhìn. Các dịch vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và sản vật địa phương chưa được tận dụng phục vụ du lịch…

 

Là nơi "sáng" nhất cho du lịch cộng đồng của tỉnh nhưng tại An Lạc lại đang khiến ngành chức năng băn khoăn. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Giang, bức xúc: Công ty Đường Việt đã được chấp thuận đầu tư vào An Lạc.

 

Theo thiết kế, sẽ có nhiều hạng mục đẹp được xây dựng nhưng thực tế hoàn toàn khác, bờ kè vào khu du lịch Công ty làm chưa lâu nhưng đã hỏng nham nhở; một trong những biểu tượng của Khe Rỗ là nếp nhà sàn bên Vũng Tròn cũng bị chuyển đến nơi khác nhưng cũng trong tình trạng không nguyên vẹn, thay vào đó Công ty dựng lên một ngôi nhà tranh tre mái lá kém chất lượng, có phần tạm bợ…

 

Nhiều hộ dân ở An Lạc đang phản ứng gay gắt và kiến nghị trả lại nhà sàn về vị trí cũ. Đáng buồn hơn, tuy chưa đầu tư đáng kể và chưa được phép thu phí nhưng dịp nghỉ lễ 30.4 năm nay Công ty này đã tự ý làm trái quy định gây bức xúc trong nhân dân. Trong một cuộc trao đổi mới đây, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Nguyễn Quang Ngạn khẳng định: Tới đây ngành chức năng và huyện phải xem lại năng lực đầu tư của Đường Việt, nếu không đáp ứng được tiến độ và điều kiện sẽ yêu cầu "thanh lý".

 

Với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2014 - 2020 hơn 40 tỉ đồng (50% ngân sách nhà nước, còn lại từ xã hội hóa), trong đó đến 2016, ngành chức năng sẽ xây dựng mô hình điểm ở thôn Nà Ó, Đồng Khao, Biển (xã An Lạc), hỗ trợ hộ dân, địa phương xây dựng 20 nhà vệ sinh gia đình và 7 nhà vệ sinh công cộng, một số vật dụng khác như: chăn, màn, ti vi, đầu đĩa… Cùng với đó, xây dựng nhà sàn văn hóa, biển nội quy, chỉ dẫn và tổ chức các đợt tập huấn, học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng cho các hộ dân và lãnh đạo địa phương. Bước đầu cũng sẽ hỗ trợ một số điểm du lịch cộng đồng của Lục Nam, Yên Thế, Lục Ngạn thiết bị, vật dụng cần thiết.

 

Ông Trần Anh Tuấn cho biết: Vài năm gần đây, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Giang liên tục tổ chức nhiều lớp tập huấn, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại Nam Định, Hà Giang, Hòa Bình cho cán bộ quản lý và các hộ dân, từ đó đã áp dụng thành công, mang lại hiệu quả từ một số mô hình.

 

Để phát triển có bài bản và nâng tính chuyên nghiệp hơn, ngoài việc đầu tư, quảng bá theo đúng lộ trình Đề án, ngành du lịch tỉnh Bắc Giang đang khuyến khích các hộ tự xây dựng, nâng cấp công trình của gia đình đáp ứng nhu cầu của khách, nhất là xây dựng thêm phòng chuyên để khách thuê, vì hiện nay đa số các gia đình phải nhường lại phòng ngủ của mình khi khách có nhu cầu.

 

Biện pháp nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường sống, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì các làng nghề truyền thống, lễ hội, phong tục, tập quán, thành lập các câu lạc bộ hát dân ca... ngành cũng tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của du lịch cộng đồng, khuyến khích các hộ dân tham gia đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú.

 

Trong đó tập trung vào kỹ năng, kinh nghiệm hướng dẫn du lịch, phương pháp nấu ăn, dịch vụ vận chuyển, biểu diễn ca múa nhạc dân tộc, bán đồ lưu niệm… Đặc biệt, rút kinh nghiệm thực tế từ xã An Lạc, Bắc Giang cần mời gọi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực sự có năng lực, tâm huyết và có tính chuyên nghiệp cao nhằm đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải.

Nguyễn Hưởng

Nguồn: Báo Văn hóa