Nam Định muốn Xuân Thủy trở thành Vườn Di sản ASEAN

Cập nhật: 22/09/2023
Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 22/9/2023
Xuân Thủy là một trong 34 Vườn Quốc gia của Việt Nam. Đa dạng sinh học nơi đây rất phong phú và đa dạng. Để tăng cường công tác bảo tồn, nâng cao giá trị, tỉnh Nam Định muốn đưa Vườn Quốc gia Xuân Thủy thành Vườn Di sản ASEAN.

Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm ở cửa Ba Lạt, nơi sông Hồng đổ về biển với một bên là huyện Giao Thủy (Nam Định) một bên là huyện Tiền Hải (Thái Bình). Vườn có tổng diện tích trên 14.000 ha, trong đó hơn 7.100 ha là vùng lõi và hơn 7.300 ha là vùng đệm, nằm trên địa bàn 5 xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải của huyện Giao Thủy.

Lượng phù sa màu mỡ của sông Hồng và biển đã tạo ra một khu đất ngập nước với nhiều loài động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm. Vườn quốc gia Xuân Thủy hiện có khoảng 192 loài thuộc 145 chi của 60 họ, trong đó có gần 20 loài thích nghi với điều kiện ngập nước để cấu thành nên hệ thống rừng ngập mặn rộng hàng ngàn ha.

Rừng ở đây góp phần cố định phù sa, tạo nên các bãi bồi mới, làm vườn ươm, cung cấp thức ăn cho các loài thủy sinh đồng thời đóng vai trò cân bằng sinh thái của khu vực.

Ngoài tính đa dạng sinh học cao, nơi đây còn tạo sinh kế cho người dân địa phương bằng các mô hình phát triển kinh tế. Điển hình là nuôi ong với khoảng 6.000 - 8.000 đàn ong với sản lượng khoảng 80 -100 tấn/năm. Mô hình trồng nấm sò với khoảng 30 hộ tham gia, cho thu nhập ổn định từ 60-70 triệu/ năm...Ngoài ra còn khai thác thủy sản dưới tán rừng (rừng ngập mặn).

Vườn quốc gia Xuân Thủy đã tham gia Công ước Ramsar (công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước) từ năm 1989. Đến năm 2004, nơi đây được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển vùng châu thổ sông Hồng.

Đến năm 2023, Việt Nam có 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 Vườn Quốc gia. Theo tiêu chí, mỗi vườn quốc gia phải có ít nhất hai loài sinh vật đặc hữu hoặc trên 10 loài ghi trong Sách đỏ của Việt Nam. Diện tích của vườn quốc gia tối thiểu từ 7.000 ha trên đất liền hoặc 5.000 ha trên biển hay 3.000 ha ở vùng đất ngập nước, trong đó còn ít nhất 70% diện tích là các hệ sinh thái tự nhiên, giá trị đa dạng sinh học cao.

Mới đây (ngày 18/9), UBND tỉnh Nam Định chấp thuận cho Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xây dựng hồ sơ để cử Vườn Quốc gia Xuân Thủy trở thành Vườn Di sản ASEAN.

Tỉnh Nam Định yêu cầu Vườn Quốc gia Xuân Thủy phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ đảm bảo đúng quy trình thủ tục và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn triển khai theo đúng quy định.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam hiện có 10 Vườn Di sản ASEAN, đây là các khu bảo tồn thiên nhiên, gồm: Vường Quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai – Lai Châu); Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn); Vườn Quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh); Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh); Khu bảo tồn Ngọc Linh (Kon Tum); Vườn Quốc gia Chư Mom Rây (Kon Tum); Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai); Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (Lâm Đồng); Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh) và Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang).

Chương trình Vườn Di sản ASEAN (ASEAN Heritage Park-AHP) là một trong những sáng kiến của Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN, thực hiện dựa trên Tuyên bố về các Vườn di sản của Bộ trưởng các nước ASEAN từ năm 2003; là danh hiệu về bảo tồn của khu vực, được triển khai thực hiện từ năm 2003 với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái quan trọng, mang tính độc đáo đặc biệt của khu vực ASEAN.

Các Vườn di sản ASEAN (AHP) góp phần quan trọng trong bảo tồn nguồn gen, đảm bảo sử dụng bền vững các hệ sinh thái; duy trì các khu vực tự nhiên có giá trị văn hóa, giáo dục, nâng cao nhận thức đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.

Các Vườn di sản ASEAN bao gồm các khu bảo tồn/vườn quốc gia trên cạn và biển, sẽ được lựa chọn bởi các tiêu chí: Tính toàn vẹn (đầy đủ) về sinh thái; Tính đại diện; Tính tự nhiên; Tầm quan trọng cho bảo tồn; Tính hợp pháp/pháp lý; Kế hoạch Quản lý khu bảo tồn; Tính xuyên biên giới; Tính độc đáo; Ý nghĩa dân tộc học; Có tầm quan trọng về giá trị đa dạng sinh học và tính nguy cấp.

Bài, ảnh: Tú Quyên - Vũ Minh