Các doanh nghiệp của châu Á có thể giúp bảo vệ rừng và kinh tế phát triển

Cập nhật: 23/05/2016
Theo một báo cáo mới được phát hành, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại châu Á, hoạt động trong lĩnh vực liên quan tới rừng và dịch vụ các hệ sinh thái có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nạn phá rừng trong khu vực.

Báo cáo Tác động tới rừng: Tiềm năng cho các giải pháp thương mại nhằm chống lại nạn phá rừng tại những khu vực rừng rộng lớn của châu Á, phát hành tuần trước, đã phân tích các giải pháp giúp doanh nghiệp giải quyết vấn nạn phá rừng.

 

Thông qua phân tích chính sách và bối cảnh doanh nghiệp tại ba khu vực cảnh quan của châu Á, báo cáo nhấn mạnh nếu được hỗ trợ tốt, các doanh nghiệp xanh quy mô nhỏ có thể có những sáng kiến đảo ngược xu thế hiện tại, khi các hoạt động doanh nghiệp có tác động tiêu cực lớn hơn nhiều so với các sáng kiến ngăn chặn phá rừng. Báo cáo cho biết xu hướng này vẫn tồn tại bất chấp cam kết gần đây của một số quốc gia và nỗ lực không ngừng của Liên Hợp quốc nhằm ngăn chặn nạn phá rừng cho tới năm 2020.

 

Báo cáo được phát hành trong bối cảnh các nhà đàm phán họp tại thành phố Bonn, Đức trong tuần trước để thống nhất các yếu tố quan trọng trong thoả thuận mới về khí hậu toàn cầu, trong đó có vấn đề về rừng và sử dụng đất.

 

Ông Paul Chatterton, Trưởng ban Phân tích Tài chính Sinh cảnh của WWF cho biết: “Các chính sách và các hoạt động thực tiễn cần tập trung hỗ trợ cách phát triển kinh doanh mới nếu các chính phủ và các nhà tài trợ muốn thực hiện cam kết chấm dứt nạn chặt phá rừng.”

 

Năm tổ chức bao gồm WWF, Ennovent, the Impact Hub, Clarmondial và GreenWorks Asia đã cùng hợp tác xây dựng báo cáo này. Báo cáo tập trung nghiên cứu các ví dụ điển hình tại ba quốc gia có tầm đa dạng sinh học quan trọng, đại diện điển hình cho các điều kiện tại khu vực châu Á bao gồm: khu vực Trung Trường Sơn, Việt Nam; Kalimantan và Sumatra của Indonesia; và Terai Arc thuộc vùng đất thấp của Nepal.

 

Báo cáo chỉ ra rằng có tiềm năng lớn cho các phương pháp kinh doanh xanh mới. Các phân tích trong nghiên cứu chỉ ra các loại hình doanh nghiệp mà có thể đóng góp tích cực trong việc ngăn chặn phá rừng như trồng cây cao su, ca cao, mây, các loại cây lấy dầu và cây thuốc. Một ví dụ điển hình đó là Viện The Mountain đã giúp cho việc trồng các cây lấy thuốc và tinh dầu thành một việc kinh doanh mang lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất nhỏ. Từ năm 2001, Viện The Mountain đã giúp tăng thu nhập cho hơn 15.000 nông dân thông qua đào tạo và hỗ trợ các phương pháp trồng trọt bền vững các loại cây như cây sả, loài hoa đỗ quyên lấy dầu, hạt Bael và cây bơ. Viện, cùng với WWF và công ty Ennovent dự định sẽ cùng hợp tác trong tương lai để đảm bảo chứng nhận được cấp cho các phương pháp sản xuất hữu cơ, quy trình chế biến chất lượng và quản lý rừng hiệu quả hơn – trong đó bao gồm vùng đệm của các vườn quốc gia – củng cố mối liên kết với ngành công nghiệp mỹ phẩm và dược phẩm toàn cầu.

 

Ông Peter Scheuch, Giám đốc Điều hành của Ennovent chia sẻ: “Việc xây dựng các hoạt động kinh doanh thân thiện với rừng mới chỉ bắt đầu. Giờ đây chúng ta cần một sáng kiến để cung cấp các bằng chứng và hỗ trợ phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái để kết nối các dịch vụ, chính sách và sáng kiến với nhau.”

 

Bản báo cáo cũng xem xét nhiều nhân tố khác nhau – các nhà sáng chế, nhà đầu tư, những người trung gian - những người có thể tham gia vào việc mở rộng quy mô và củng cố cho các sáng kiến thân thiện với rừng và đưa ra các khuyến nghị thực hiện và nhân rộng mô hình thành công của các doanh nghiệp xã hội không phá rừng tới các khu vực bị ảnh hưởng khác.

 

Gland, Thụy Sĩ 

 

 

 

Nguồn: WWf- Việt Nam