Các di sản văn hóa ngày càng thu hút du khách

Cập nhật: 25/09/2017
Từ ngày 21 đến 23.9, tại TP Huế, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo tập huấn cho hơn 300 cán bộ chuyên trách quản lý về di sản văn hóa của các địa phương trong cả nước.

Hội thảo còn có sự tham dự của các chuyên gia của UNESCO, các chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á- Thái Bình Dương dưới sự bảo trợ của UNESCO (IRCI), chuyên gia của bảo tàng Anh…

Ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội thuyết trình tại Hội thảo - Tập huấn nghành Di sản văn hóa Năm 2017

Ông Micheal Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết, dù mới đến nhận nhiệm vụ trong một thời gian ngắn nhưng ông cảm nhận được tầm quan trọng của di sản văn hóa cho sự phát triển bền vững trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay. Sự phát triển bền vững này ở nhiều phương diện như đóng góp cho phát triển giáo dục, y tế sức khỏe; trong phòng chống và thích nghi với biến đổi khí hậu; văn hóa có vai trò thúc đẩy phát triển bình đẳng giới và phát triển vai trò của phụ nữ… Và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, đặc biệt cho các nhóm dân tộc thiểu số và nhóm thiệt thòi; những tri thức, kỹ năng nghề truyền thống đã tạo sinh kế cho nhiều người.

TS. Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: Năm 2017, hành lang pháp lý về di sản văn hóa tiếp tục được hoàn thiện. Cục Di sản văn hóa đã tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL trình Chính phủ ban hành Nghị định về quy định bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam.

Đến thời điểm hiện tại, cả nước có 85 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 118 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 3.329 di tích quốc gia và 9.857 di tích cấp tỉnh; 59.279 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê trên địa bàn 61 tỉnh, thành phố; 228 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hệ thống bảo tàng Việt Nam với 158 bảo tàng (125 bảo tàng công lập và 33 bảo tàng ngoài công lập).

Trên bình diện quốc tế đã có 25 di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO vinh danh (gồm 8 di sản văn hóa vật thể, 11 di sản văn hóa phi vật thể, và 6 di sản tư liệu). Số khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan các khu di sản thế giới hằng năm đều tăng. Doanh thu từ bán vé và các dịch vụ du lịch đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách địa phương, góp phần nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư nơi có di tích.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trong công tác bảo vệ phát huy giá trị di tích, một số địa phương chưa ban hành quy chế quản lý di tích trên địa bàn; kiểm kê di tích, thực hiện quy hoạch khảo cổ và hoạt động tu bổ cấp thiết di tích ở địa phương còn chưa được triển khai đồng bộ; đội ngũ cán bộ có khả năng chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích còn thiếu.

Bảo tàng Nông cụ tại xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) với sự tham gia trình diễn của nhiều nghệ nhân lớn tuổi đã thu hút nhiều du khách quốc tế

Việc đổi mới nội dung trưng bày, hoạt động giáo dục, công tác truyền thông, xúc tiến du lịch và tổ chức các hoạt động dịch vụ tại các bảo tàng còn hạn chế; việc xây dựng thương hiệu nhằm thu hút khách tham quan của nhiều bảo tàng chưa đột phá…

Hội thảo lần này tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề đang được quan tâm hiện nay như sử dụng công nghệ mới thu hút khách tham quan trong bảo tàng (do nhóm chuyên gia của Bảo tàng Anh thực hiện); di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững (chuyên gia của UNESCO)...

Bà Misako Ohnuki (chuyên gia của IRCI, đến từ Nhật Bản) đã thuyết trình chuyên đề “Bảo tàng là nơi trao quyền di sản văn hóa phi vật thể”, trong đó nhấn mạnh đến các vấn đề: Thống nhất việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và địa phương thành một hệ thống; giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể ở các bảo tàng (bảo tàng Nhà nước và bảo tàng tư nhân); trao quyền bền vững di sản văn hóa phi vật thể (nghệ nhân thủ công có trình độ) với sự chủ động của cộng đồng. Chuyên gia Misako Ohnuki cũng dẫn chứng từ phía Nhật Bản về việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể do cộng đồng thực hiện.

Ngày 22.9, Hội thảo tập huấn về Di sản văn hóa sẽ tiếp tục với chủ đề “Thu hút khách tham quan bảo tàng bằng công nghệ” do nhóm chuyên gia Bảo tàng Anh thực hiện. 

Sơn Thùy

Nguồn: Báo Văn hóa