Phát hiện thêm nhiều loài bò sát mới tại Khu Dự trữ sinh quyển Kiên Giang

Cập nhật: 28/11/2008
4 loài bò sát rất quí giá vừa được tìm thấy tại huyện đảo Kiên Hải và huyện Hòn Đất thuộc Khu Dự trữ sinh quyển Kiên Giang.

Đây là kết quả đáng mừng do các nhà nghiên cứu động vật thuộc trường Đại học La Sierra, bang California, trường Đại học Villanova, bang Pennsylvania (Hoa Kỳ) và Viện Sinh học nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) thực hiện.

4 loài bò sát đặc hữu chỉ có ở Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang bao gồm: 2 loài thằn lằn đá ngươi tròn (Cnemaspis), thằn lằn chân ngón (Cyrtodactylus), thuộc họ tắc kè (Gekkonidae) và 1 loài rắn lục Hòn Sơn, thuộc họ rắn lục (Viperidae).

Thằn lằn đá ngươi tròn đuôi trắng, có chiều dài đầu mình khoảng 44 mm, đây là loài thằn lằn đá ngươi tròn nhỏ nhất so với 5 loài thằn lằn đá ngươi tròn được khám phá ở các vùng miền khác trong nước. Loài này chỉ tìm thấy ở Hòn Tre (huyện đảo Kiên Hải). Thằn lằn đá ngươi tròn chân cam có chiều dài 56,5 mm, là loài có màu sắc đa dạng, toàn thân có màu nâu vàng nhạt, phủ lên trên bởi những đốm hình thoi có màu nâu đỏ nhạt từ vùng chẩm đến cuống đuôi…Loài này được tìm thấy ở Hòn Đất (huyện Hòn Đất). Cả 2 loài thằn lằn ngươi tròn đuôi trắng và chân chân cam thường sống theo các vách đá và có đời sống hoạt động sinh lý đều gần giống nhau.

Điều khá lý thú đối với các nhà khoa học là cả 2 loài thằn lằn chân ngón Cyrtodactylus và rắn lục (Grismer) được cùng tìm thấy ở Hòn Sơn, xã Lại Sơn thuộc huyện đảo Kiên Hải. Thằn lằn chân ngón có chiều dài 89,2 mm, thân và đuôi có màu nâu sô-cô-la, thuộc loài động vật hang điển hình, thường sống trong các hang đá sâu. Còn loài rắn lục có chiều dài 626-648 mm, thân có màu vàng xám hoặc nâu đỏ, đuôi có màu cam nhạt, thường sống ở các núi đá, cành cây.

Theo các nhà khoa học, 4 loài bò sát vừa mới được phát hiện tại Khu Dự trữ sinh quyển Kiên Giang hiện còn rất ít, các ngành chức năng và chính quyền địa phương tỉnh Kiên Giang cần có kế hoạch gìn giữ bảo tồn nhằm làm giàu tính đa dạng sinh học của Khu Dự trữ đã được tổ chức UNESCO công nhận.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường