Khai thác vẻ đẹp sông nước thiên nhiên thành phố xứ Dừa

Cập nhật: 03/12/2021
Trong vài năm trở lại đây, Công ty TNHH Truyền thông và Du lịch C2T trở thành nhịp cầu nối du khách bốn phương đến tham quan TP. Bến Tre. Sự am hiểu về văn hóa địa phương của anh Võ Văn Phong - Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông và Du lịch C2T đã giúp du khách có những trải nghiệm mới mẻ, đầy thú vị về sông nước, sản vật, con người ở TP. Bến Tre.

Sông Bến Tre giữa lòng đô thị TP. Bến Tre. 

Sông nước giữa lòng thành phố

Vẻ đẹp sông nước TP. Bến Tre được Công ty TNHH Truyền thông và Du lịch C2T khai thác chủ yếu trên sông Bến Tre. Lộ trình tàu du lịch đưa khách tiến về sông Hàm Luông xem hoạt động đánh bắt tôm, cá trên sông. Tàu du lịch trở vào rạch Cái Sơn đưa khách tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch tại xã Nhơn Thạnh và xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre như: uống nước dừa dứa tại vườn dừa nhà chú Sáu Điệp; ăn trái cây, thưởng thức trà mật ong, nghe đờn ca tài tử, thăm điểm homestay Mười Nở, Hạ Thảo, Xóm dừa nước.

Không ít du khách cảm giác bất ngờ vì sông Bến Tre có nhiều sản vật. Người dân có nhiều hoạt động đánh bắt cá, tôm càng xanh trên sông. Lượng cá tôm ven bờ sông thu hút chim, cò đi dọc bờ sông, đậu trên cành cây bần để kiếm thức ăn. Hai hàng cây bần ven sông Bến Tre vừa tạo nên cảnh quan mát mẻ, hoang sơ, vừa giúp giữ đất không bị xói lở. Du khách nghe anh Võ Văn Phong - Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông và Du lịch C2T kể về truyền thuyết cây bần được Vua Gia Long đặt tên “thủy liễu”. Tương truyền khi Vua Gia Long tẩu quốc chạy đến Bến Tre thì thuyền của nhà vua không còn thực phẩm, được người dân dâng lên cơm ăn với món mắm và trái bần chua. Thấy cây đẹp, cành lá rũ giống như cây liễu, thân lại mọc từ dưới nước lên, lại cho trái ngon, ăn được nhưng cái tên bần nghe có vẻ “xấu xí” nên Vua Gia Long ưu ái đặt tên cho cây bần là thủy liễu.

TP. Bến Tre là một trong số ít thành phố trong cả nước có dòng sông chảy giữa lòng đô thị. Chính điểm nhấn này đã tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch thành phố. Hàng bần là một nét đặc trưng hiếm có. Nhiều năm nay, chính quyền thành phố đã quan tâm trồng dặm thêm hàng bần dọc bờ Bắc sông Bến Tre để bù lại số cây chết.

Ẩm thực gắn với sản vật

Hàng năm, từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch, khi hoa bần nở rộ, người dân thu hái những búp hoa mới hé, cánh và nhụy hoa có màu trắng pha lẫn sắc hồng, lảy hoa ra có thể trộn gỏi với tôm sông, khô cá. Món này có vị nhẫn của cánh hoa bần ăn rất ngon.

Những trái bần khi chín thơm lừng. Trái rụng xuống nước thu hút cá bông lau, cá ngát đến ăn. Ngồi trên tàu du lịch, khách được thưởng thức món canh chua nấu bần với cá sông, vừa ngắm cảnh thiên nhiên, hưởng hơi mát của gió sông, khí lành của gió trời. Anh Võ Văn Phong cho tàu tấp vào một cây bần da trơn. Anh thuộc làu cây bần nào có tổ ong, cây nào không. Theo kinh nghiệm, cây bần da sần sùi thường có tổ ong hơn cây bần da trơn láng. Khách tự tay hái bần. Trái bần được anh Phong biến tấu thành món muối bần làm tại chỗ. Tàu canh con nước lớn ròng mà đi. Ghe bắt tôm cũng canh nước lớn ròng. Anh Phong mua tôm tươi vừa đánh bắt của ngư dân rồi luộc ngay món tôm càng xanh chấm muối bần. Trái bần chín thịt trái như có bột, thơm và chua ngất ngây. Vị ngọt của tôm tươi quyện với vị mặn của muối, chua và thơm lạ của trái bần khiến du khách không sao quên được phong vị thiên nhiên giữa lòng đô thị TP. Bến Tre.

Du lịch trong tình hình mới, du khách đi trên sông, hạn chế tiếp xúc trên đường bộ khiến du khách có cảm giác an toàn hơn, riêng tư hơn. Trên sông Bến Tre, anh Võ Văn Phong còn giới thiệu, kể cho du khách về các loại hình đánh bắt trên sông hiện có tại Bến Tre như: xem ghe cào, xem đổ đáy, thưởng thức ẩm thực trên tàu; khách vừa tận mắt xem, vừa hiểu về nét văn hóa đặc trưng sông nước Bến Tre. Giữa thời buổi ồn ào náo nhiệt, để được hưởng cảm giác bình yên, du lịch đến TP. Bến Tre là lựa chọn lý tưởng.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Nguồn: Báo Đồng Khởi