Bà Nà Núi Chúa - Kho tài nguyên dược liệu

Cập nhật: 30/03/2009
Bà Nà - Núi Chúa không chỉ nổi tiếng bởi khí hậu tuyệt vời, một ngày có 4 mùa (sáng xuân, trưa hè, chiều thu và tối đông) mà nơi đây còn được du khách, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước biết đến bởi một hệ động thực vật đa dạng và là nguồn tài nguyên dược liệu vô cùng phong phú.

Cách thành phố Đà Nẵng chỉ 15 km đường chim bay về phía Tây, (đường bộ dài 48 km) núi Bà Nà hùng vĩ cao 1.482 m. Người Quảng Nam còn gọi là Núi Chúa. Cùng với Bạch Mã, Thừa Thiên, LangBiang, Đà Lạt, Phan Si Pang ở Sapa, ngay từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng núi Bà Nà thành khu nghỉ mát lý tưởng và sang trọng. Trải qua nửa thế kỷ, vì tình hình chiến tranh, khu du lịch này bị bỏ quên. Hơn 200 biệt thự và con đường đèo ô tô có thể lên tận đỉnh bị cây rừng phủ lấp.... Nhưng ngày nay, Bà Nà trở lại là khu du lịch hấp dẫn với ưu đãi của thiên nhiên: một ngày có đủ 4 mùa trong năm, và được coi là Đà Lạt thứ hai ở Trung bộ. Nhiệt độ trung bình nơi đây từ 15 - 20 độ C, ban đêm mùa đông dưới 10 độ C. Mùa hè trong khi Đà Nẵng nắng nóng đến 32 độ C thì Bà Nà - Núi Chúa vẫn mát mẻ.

Vì nằm ở vùng chuyển tiếp khí hậu của nước ta, giữa miền Bắc với khí hậu một năm bốn mùa rõ rệt và miền Nam với khí hậu một năm hai mùa mưa khô phân lập cho nên Bà Nà - Núi Chúa có hai kiểu rừng : một là kiểu rừng á nhiệt đới với các loài cây á kim, hai là kiểu rừng nhiệt đới với các loài cây lá rộng. Chính vì thế mà Bà Nà có hệ sinh thái phong phú với 544 loài thực vật, 266 loài động vật trong đó có 44 loài động vật và 6 loài thực vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam như gà lôi lam mào trắng, trĩ, vượn, hổ, cá chình hoa, trĩ sao, vượn má hồng, hổ… Trên đỉnh núi Bà Nà có cây thông qùy (thân cây cong như qùy) khoảng gần trăm tuổi.

Đặc biệt, Bà Nà có nguồn dược liệu vô cùng phong phú với: 251 loài cây thuộc 89 họ thực vật phân phối ở các độ cao khác nhau, trong đó có 13 loài họ Cà phê, 12 loài họ Đậu, 10 loài thuộc loài Thầu dầu, 8 loài thuộc họ Cam, 7 loài thuộc họ Cúc. Ngoài ra, Bà Nà còn có cây trầm hương (Aquilaria, họ trầm hương - Thymeliaceae), ba kích (Morinda sp, họ Cà phê Rubiaceae), cây lười ươi (Scaphium lychnophorum, họ Trôm - Sterculiaceae), cây thổ phục (Smilax glabra, họ Khúc khắc - Smilacaceae), bồ công anh (Taraxacum officinale, họ Cúc - Asteraceae) mọc trên đỉnh núi, màng tang (Litsea cubeba, họ Long não - Lauraceae), chổi xuể (Baeckea frutescens họ Sim (Myrtaceae), thông (Pinus sp, họ Thông Pinaceae)... Đây đều là những loài cây có thể khai thác dùng làm thuốc.

Tuy nhiên việc khai thác, sử dụng của con người cũng như thiên tai, lũ lụt đang ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái của các loài động thực vật làm dược liệu nơi đây. Do đó, các kế hoạch bảo tồn, khai thác đảm bảo bền vững cũng như hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch sinh thái cần được tiến hành đồng bộ và thường xuyên để góp phần thực hiện chính sách quốc gia về thuốc của Việt Nam.

 

Trang Lê tổng hợp

 

Nguồn: www.thiennhien.net