Thực hiện các biện pháp bảo vệ chim di cư ở Lào Cai

Cập nhật: 11/10/2022
Lào Cai là tỉnh có nhiều loài chim hoang dã quý hiếm ở vùng tiểu khí hậu á nhiệt đới trên dãy núi Hoàng Liên. Tỉnh cũng là vùng biên giới tiếp giáp với vùng Tây Nam Trung Quốc nên mùa đông hằng năm, có rất nhiều loài chim xứ lạnh di cư về trú đông hoặc tạm dừng trước khi bay tiếp về phương Nam.

Thực hiện Chỉ thị số 04 ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, thời gian qua, việc bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư được các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh quan tâm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.

Ngày 21/9, trong khi tuần tra tại xã Phú Nhuận, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng phối hợp với UBND xã phát hiện tại thôn Phú Hà có người thực hiện hành vi bẫy, bắt chim hoang dã, di cư. Lực lượng chức năng đã thu giữ 92 cá thể chim, trong đó 57 cá thể cò lửa và cò trắng, 15 cá thể chim dẽ giun, 20 cá thể chim ngói. Lực lượng chức năng còn thu giữ 16 loa, 2 ắc quy điện áp 12V, 7 âm ly là phương tiện đánh bẫy chim của người vi phạm. Sau đó, lực lượng chức năng đã thực hiện quy trình thả toàn bộ số chim trên về tự nhiên.

Nhiều dụng cụ bắt, bẫy chim bị thu giữ. 

Việc bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư luôn được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm, góp phần nâng cao ý thức của người dân, chống nạn săn bắt trái pháp luật. Tại những địa bàn trọng điểm có chim di trú, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các địa phương kiện toàn, duy trì hoạt động của các tổ công tác liên ngành cấp huyện và tổ liên ngành cấp xã thường xuyên kiểm tra, thu gom dụng cụ và lưới bẫy, bắt chim. Cùng với đó là kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi chế biến, kinh doanh, sử dụng trái phép động vật rừng và các loài chim hoang dã.

Ông Ngô Hoàng Sơn, Chủ tịch UBND xã Bản Vược (Bát Xát) cho biết: Xã có gần 2 km đường biên giới dọc sông Hồng giáp Trung Quốc. Khu vực này có bãi bồi rộng, nguồn thức ăn phong phú nên từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch hằng năm có các loài chim di cư đến trú đông. Trước đây, do nhận thức chưa đầy đủ nên nhiều người dân đặt bẫy, chăng lưới để săn bắt. Chính quyền đã tuyên truyền, vận động, tăng cường tuần tra, thu giữ các dụng cụ bẫy.

Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát, trên địa bàn huyện hiện nay đã xuất hiện các loài chim di cư về tránh trú theo mùa. Để tổ chức có hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh về bảo tồn loài chim hoang dã, di cư, huyện Bát Xát chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng thôn, tổ dân phố; khuyến khích Nhân dân tố giác các đối tượng có hành vi săn bắt, bẫy, giết, nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển, kinh doanh động vật hoang dã, các loài chim di cư trái pháp luật. Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm tra khu vực trọng điểm về săn bắt, bẫy bằng lưới, keo dính, loa, sóng âm… tại các khu vực bãi soi, cửa suối, dọc ven sông Hồng thuộc các xã: Quang Kim, Bản Qua, Bản Vược, Trịnh Tường, thịt trấn Bát Xát.

Ông Nguyễn Văn Dương, Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Bát Xát cho biết: Từ đầu tháng 10 đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện đã phối hợp với các xã tham gia tuần tra, kiểm soát và thu giữ hơn 400 m lưới của người dân thị trấn Bát Xát và các xã Quang Kim, Bản Qua, Bản Vược dùng để giăng bẫy bắt chim tại ruộng lúa và ven sông Hồng, các suối. Cùng với đó, lực lượng kiểm lâm huyện đã thu giữ 5 bộ loa, 5 âm ly, 5 ắc quy điện áp 12V và 10 loa cóc loại nhỏ do người đánh bắt chim bỏ lại khi thấy lực lượng chức năng.

Lào Cai là tỉnh có nhiều loài chim hoang dã quý, hiếm ở vùng tiểu khí hậu á nhiệt đới trên dãy núi Hoàng Liên. Bên cạnh đó, một số khu vực của tỉnh có cánh đồng rộng, mạng lưới sông, suối dày, nhiều hồ, đập xen giữa những cánh rừng xanh tốt, tạo nguồn thức ăn phong phú thu hút các loài chim di cư từ xứ lạnh về trú đông hoặc tạm dừng trước khi bay tiếp về phương Nam. Việc bảo vệ, bảo tồn các loài chim hoang dã quý, hiếm và chim di cư mùa đông luôn được tỉnh chú trọng.

Lực lượng chức năng các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi săn, bắt chim di cư, chim hoang dã. 

Tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, bắn hoặc mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Đồng thời, cung cấp số điện thoại của lực lượng chức năng để người dân chủ động đấu tranh, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan kiểm lâm, công an, quản lý thị trường... phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Rà soát, triệt phá dứt điểm các khu chợ, tụ điểm buôn bán các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn; xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở kinh doanh có các hành vi vi phạm.

Ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Đơn vị phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, trọng tâm là từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, bao gồm bảo vệ môi trường sống, tuyến đường di cư. Rà soát các vị trí, địa điểm các loài chim hoang dã, di cư dừng chân để phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường biện pháp bảo vệ…

Kim Thoa

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 11/10/2022