Cần khôi phục và bảo tồn Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu - Đồng Nai

Cập nhật: 10/06/2009
Tỉnh Đồng Nai đầu tư hơn 3,1 tỉ đồng vào đề án "Điều tra xây dựng danh mục và tiêu bản động, thực vật rừng" ở Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu. Thực hiện đề tài này, có sự tham gia, nghiên cứu của gần 50 nhà khoa học trong 2 năm nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm, phát hiện tại đây có 36 loài thú và 15 loài thực vật quý hiếm.

Phó Giáo sư - tiến sĩ Lê Xuân Cảnh - Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, một trong những người chịu trách nhiệm thực hiện chuyên đề điều tra, xây dựng danh mục và tiêu bản động vật rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích (BTTN&DT) Vĩnh Cửu - khẳng định, vốn rừng ở Đồng Nai là tài sản đa dạng và quý báu. Điều này được chứng minh qua kết quả mà đội ngũ những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về rừng đã dày công khảo sát, nghiên cứu trong hơn 2 năm qua.

Quá trình khảo sát thực địa, bước đầu đã xác định và thống kê được 81 loài thú thuộc 27 họ, 10 bộ. Tại Khu BTTN&DT Vĩnh Cửu, các nhà khoa học ghi nhận có 36 loài (chiếm 44,4% tổng số loài trong vùng nghiên cứu) động vật quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam và Đông Nam Á : cu li nhỏ, vượn má vàng, gấu chó, báo lửa, báo hoa mai, báo gấm, hổ, mèo rừng, voi, hươu vàng, bò tót, bò rừng...

Về lĩnh vực thực vật rừng, rừng ở Khu BTTN&DT Vĩnh Cửu có 857 loài thực vật; 15 loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam đều có ở Khu BTTN&DT Vĩnh Cửu. Trong đó, có 8 loài đang bị đe doạ tuyệt chủng, gồm: Sồi đá, de áo (đều thuộc họ dẻ); dó bầu (họ trầm); gõ đỏ, gõ cà te, gõ mật, gõ sẻ, gõ đen (họ phụ điệp); giáng hương cánh trái to (họ phụ cánh bướm); lòng mức (họ trúc đào); nần nghệ (họ củ nâu). Riêng loại thuộc nhóm nguy cấp có 7 loài: Giên giên trắng (họ na); lát hoa Đồng Nai (họ xoan); trám đen, cà na (họ trám); thần linh lá quế (họ trúc đào); găng nghèo, cây xương cá (họ càphê); thiết đinh lá bẹ (họ quao)...

Cần khôi phục và bảo tồn

Đánh giá về giá trị rừng trong Khu BTTN&DT Vĩnh Cửu, các nhà khoa học đã khẳng định, một trong những ưu thế của khu vực này thuộc sinh cảnh rừng lá rộng thường xanh trên núi thấp. Chính vì môi trường thuận lợi, hấp dẫn và thích nghi nên đã là nơi cư trú của nhiều động vật rừng, côn trùng. Bên cạnh đó, rừng ở Khu BTTN&DT Vĩnh Cửu còn có chức năng quan trọng khác là phòng hộ trực tiếp cho hồ Trị An, góp phần tái tạo cân bằng sinh thái cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành - chủ nhiệm DA - cho rằng, nếu tính toàn miền Nam, nơi có 28 khu rừng đặc dụng và 11 vườn quốc gia, thì rừng ở Vĩnh Cửu có đặc trưng sinh thái rất độc đáo. Ở đây, không chỉ có loài động vật hoang dã lớn như voi, bò, mà còn có rất nhiều thú nhỏ với hàng trăm loài chim, vô số côn trùng sinh trưởng và tồn tại hàng ngàn năm qua.

Các loài thú khi qua lại giữa các khu rừng thuộc Nam Cát Tiên, La Ngà và Khu BTTN&DT Vĩnh Cửu (tổng cộng trên 100 ngàn hécta), cho thấy sự phân bố hợp lý, thậm chí rất kỳ thú đối với các khu vực trên địa bàn Đồng Nai.

Liên quan đến giá trị văn hoá, Đồng Nai cần giữ lại nhằm lưu truyền cho thế hệ sau về lịch sử chiến khu Đ, là sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và sinh cảnh thiên nhiên. Chắc chắn nếu không có rừng, thì không có chiến khu Đ. Đây chính là ý nghĩa vô cùng tự hào của nhân dân Đồng Nai. Chính vì vậy, việc khôi phục rừng và bảo tồn, phát huy còn bao hàm động thái văn hoá - một cách ứng xử với rừng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay và mai sau.

 

Nằm trong khuôn khổ của đề án, các nhà khoa học còn phát hiện 235 loài chim thuộc 17 bộ và 52 họ, trong đó có 21 loài quý hiếm (chiếm 8,9%). Ngoài ra, còn có 88 loài bò sát và ếch nhái (25 loài quý hiếm, chiếm 28,4%); 5/919 loài côn trùng tìm thấy thuộc loại quý hiếm. Ngoài ra, các nhà khoa học còn thu thập được hàng ngàn mẫu vật, tiêu bản...

Nguồn: LĐ