Khi thể thao dân tộc trở thành sản phẩm du lịch

Cập nhật: 12/12/2022
Ngày nay, các lễ hội văn hóa, thể thao dân tộc thiểu số được tổ chức tại các xã huyện, đều không bó hẹp trong phạm địa phương mình như trước đây nữa, mà đã được mở rộng sang các địa phương khác trong tỉnh và các tỉnh lân cận mang xu hướng phát triển du lịch.

Ngày 24/12 tới, tại xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ sẽ diễn ra Phiên chợ Văn hóa vùng cao Lương Mông gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Đồng Giảng B, xã Lương Mông. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong việc thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Ba Chẽ giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tại phiên chợ, các đại biểu và du khách sẽ được hòa mình vào các hoạt động văn nghệ, thể thao và giao lưu giữa du khách với người dân với những làn điệu giao duyên, dân ca, dân vũ, các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc và hơi thở của cuộc sống hàng ngày của người dân. Chợ phiên vùng cao Lương Mông cũng đã được tổ chức nhiều năm, họp vào các ngày 4, 14, 24 hàng tháng. Đây không chỉ là điểm giao lưu giữa người dân xã Lương Mông và huyện Ba Chẽ mà còn có cả nhiều du khách đến các xã Đồng Sơn, Kỳ Thượng (TP Hạ Long), từ các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang. Mỗi phiên chợ ước tính có hàng nghìn lượt khách đến mua bán, giao lưu, trao đổi các loại hàng hóa. Những năm trước, chợ phiên chỉ đơn thuần là mua bán trao đổi hàng hóa, nhưng năm nay để tiến tới phát triển du lịch, chợ phiên đưa nhiều môn thể thao dân tộc vào chương trình tạo sự hấp dẫn với du khách.

Đua thuyền bằng chân trên sông Ba Chẽ là một trong các nội dung luôn được tổ chức ở các Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà hàng năm.

Ở Ba Chẽ, hàng năm còn diễn ra Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà, Lễ hội Bàn Vương, Hội Trà hoa vàng. Tại các lễ hội này, du khách được chứng kiến nhiều hoạt động thể thao của bà con dân tộc, như đẩy gậy, đi cà kheo, vật chày v.v.. Nhiều du khách rất thích khi xem thi đua thuyền bằng chân trên sông. Bên con sông Ba Chẽ, khu vực xã Nam Sơn là các làng bản của người Dao, trước khi chương trình xây dựng nông thôn mới chưa được đưa vào Ba Chẽ, nhiều thôn bám theo con sông không có đường bộ, bà con phải đi lại bằng thuyền, thậm chí muốn đến miếu Ông - Miếu Bà thắp hương cũng phải đi thuyền. Do đi lại bằng những chiếc thuyền độc mộc, thường chỉ một người ngồi là vừa, để thuận lợi cho việc mưu sinh, bà con chèo thuyền bằng chân để hai tay rảnh thả lưới bắt cá. Ngày nay, các thôn bên sông đều đã có đường bộ, nhưng nghề chèo thuyền bằng chân vẫn tồn tại, vì vẫn nhiều người trong các thôn sống bằng nghề khai thác hải sản bên sông. Môn thể thao đua thuyền bằng chân trở nên độc đáo, không dễ với những người khác, vì muốn thành người chèo thuyền giỏi thì phải mất nhiều năm tháng tập luyện. Chuyện mưu sinh hàng ngày của người dân bám theo con sông chính là các buổi tập luyện, giúp họ trở thành các vận động viên thuần thục trong các buổi thi.

Nhiều du khách đến huyện Bình Liêu đã có nhu cầu xem đá bóng nữ Sán Chỉ. Trận đá bóng nữ Sán Chỉ đầu tiên ra mắt đông đảo công chúng mà các cô gái mặc nguyên quần áo dân tộc mình được tổ chức tại Lễ hội đình Lục Nà, xã Lục Hồn năm 2017, không ngờ đã thu hút được rất đông người đến xem. Nhiều phóng viên nhà báo, các nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng hào hứng vào cuộc đưa tin, bài, ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, khiến bóng đá Sán Chỉ huyện Bình Liêu trở nên nổi tiếng.

Ngày nay, không là các cô gái Sán Chỉ, mà cả các cô gái Dao, Sán Dìu cũng đá bóng. Đã có nhiều đoàn khách du lịch đến từ Hà Nội, Lâm Đồng, Đắk Lắk... thậm chí cả du khách nước ngoài khi đến Húc Động cũng đã đặt vấn đề được xem các cô gái Sán Chỉ đá bóng. Bản thân các đội bóng đá nữ Sán Chỉ ở Húc Động cũng đã đi giao lưu thi đấu ở nhiều địa phương và cả TP Hạ Long vào những dịp Lễ hội Carnaval hàng năm.

Vậy là, các môn thể thao của đồng bào dân tộc thiểu số ngày nay không chỉ đơn thuần là vui chơi, mà đã trở thành sản phẩm du lịch tạo nhiều hứng khởi cho du khách khi đến những vùng đất này.

Công Thành

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh - quangninh.gov.vn - Đăng ngày 11/12/2022