Quảng Trị: Tan hoang bờ biển Vĩnh Thái

Cập nhật: 24/07/2009
Đến xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị mới thấy hết sự tàn phá khốc liệt của hoạt động khai thác titan đào bới bờ biển, chặt sạch rừng phòng hộ và tai họa từ biển sẽ đến bất cứ lúc nào.

Rừng phi lao bị tàn phá

Những cánh rừng phi lao ven biển Vĩnh Thái đã bị chặt phá, đào bới từ gần 20 năm nay để phục vụ việc khai thác titan. Trơ lại giữa cát là gió bụi cùng hàng trăm thứ tạp chất độc hại thải ra từ những cỗ máy hút cát ầm ào chạy suốt ngày đêm.

Ông Nguyễn Văn Niên, một ngư dân thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái, ngậm ngùi: “Qua hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm, loài cây phi lao có sức chống chịu với điều kiện đất đai, khí hậu khô cằn nhất mới có khả năng bám rễ trên cát trắng, bọc lấy những khu dân cư như những phên giậu bất khả xâm phạm. Vậy mà, suốt gần 20 năm nay, các cỗ máy khai thác titan đã lần lượt phá hủy chúng một cách không thương tiếc”.

Ông Ngô Thế Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thái, nói: “Dọc bờ biển Vĩnh Thái, từ thôn Mạch Nước đến thôn Tân Thuận (xã có 5 thôn, gồm: Mạch Nước, Tân Hòa, Đông Luật, Tân Mạch, Thử Luật với 709 hộ dân, 3.925 nhân khẩu), chỗ nào cũng có hoạt động khai thác titan. Cùng với những rừng cây phi lao hàng chục năm tuổi, phần lớn những án (đê) cát dọc bờ biển này - có tác dụng chống lại sự xâm thực của biển, chống cát bay đã bị phá bỏ”.

Cũng theo ông Thanh thì: “Việc các công ty khai thác titan trên địa bàn xã Vĩnh Thái không thực hiện nghiêm túc các cam kết ban đầu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và an sinh xã hội.

Đơn cử, việc tôn tạo các án cát không kịp thời, không đảm bảo, dẫn đến nước biển tràn vào ruộng đồng và đe dọa khu dân cư. Đó là chưa kể có những án cát sau khi bị phá hủy sẽ không tôn tạo lại được do đặc điểm địa hình, quy trình bồi lấp của biển”.

Ngậm ngùi cho tương lai

Theo thống kê của UBND xã Vĩnh Thái, hiện địa phương có khoảng 400 lao động làm thuê (theo thời vụ) cho các công ty khai thác titan trên địa bàn. Do hoạt động này diễn ra liên tục gần 20 năm nay nên nghề biển ở đây đã trở thành nghề phụ. Tuy nhiên, công việc này cũng đang có nguy cơ giảm sút.

Ông Thanh cho biết: “Trước đây, có nhiều đơn vị khai thác titan trên địa bàn, song hiện tại chỉ còn Công ty Cổ phần khoáng sản Quảng Trị, khai thác tại 4/5 thôn của xã là Tân Hòa, Đông Luật, Tân Mạch, Thử Luật. Điều này cho thấy hoạt động khai thác titan không thể gắn liền với phát triển kinh tế, xã hội bền vững của địa phương. UBND xã đã nhiều lần tìm hướng đi cho người dân, song chưa tìm ra phương cách nào khả quan”.

Ông Nguyễn Thanh Lợi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Trị, cho biết: “Hiện tại, Quảng Trị có 3 đơn vị được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép khai thác khoáng sản titan, gồm: Công ty Cổ phần khoáng sản Quảng Trị (khai thác tại Vĩnh Thái, Vĩnh Linh); Công ty Cổ phần khoáng sản Hiếu Giang và Công ty TNHH Thống Nhất (khai thác tại Gio Mỹ và Trung Giang - Gio Linh) với tổng diện tích khai thác thực trên 400ha.

Ngoài ra có 3 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép nhưng đến 30-4-2009 đã hết phép, gồm: Công ty TNHH Thanh Tâm (khai thác tại Vĩnh Thái), Công ty TNHH Tín - Đạt - Thành và Công ty TNHH Thống Nhất (khai thác tại Gio Mỹ). Tuy nhiên, đến nay nhiều công ty đã khai thác xong nhưng vẫn chưa hoàn trả mặt bằng”.

Tháng 6, biển Vĩnh Thái gào thét dữ dội, cùng với những con sóng là những đụn cát trắng xóa theo gió Tây - Nam quất vào làng mạc. Trong cái gió rát mặt ấy, những cao niên làng Thử Luật lại tha thẩn bên những con thuyền nằm phơi bụng trên những đồi cát trắng lừng lững, ngậm ngùi nhìn ra phía biển xa xa...
Nguồn: SGGP-24h