Quảng Nam: Tam Kỳ quyết tâm trở thành thành phố không thịt động vật hoang dã

Cập nhật: 22/02/2023
(TITC) – Theo thông tin từ Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), UBND thành phố Tam Kỳ mới ban hành Kế hoạch triển khai chương trình “Tam Kỳ - Thành phố không thịt động vật hoang dã” giai đoạn 2023 - 2030 như là một giải pháp tổng thể nhằm chấm dứt nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã (ĐVHD).

Nạn đặt bẫy chính là mối đe dọa hàng đầu đối với loài hoang dã trong các khu bảo tồn. Ảnh: WWF-Việt Nam

Đáng chú ý, kế hoạch được xây dựng với các mục tiêu giảm triệt để các hành vi buôn bán, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD đến mức thấp nhất và tiến tới chấm dứt hoàn toàn vào năm 2030. Các cơ quan đơn vị thuộc thành phố và các cơ quan đơn vị hoạt động trên địa bàn thành phố cam kết không tiêu thụ ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD. 100% các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn thành phố cam kết không buôn bán trái phép ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD.

Một khảo sát thực hiện tại Tam Kỳ vào năm 2020 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho thấy: 44% tổng số người được hỏi sử dụng các sản phẩm ĐVHD, trong đó, 93,5% cho biết thịt thú rừng là loại sản phẩm dùng nhiều nhất. Cũng theo một nghiên cứu khác về tiêu thụ thịt ĐVHD do WWF thực hiện năm 2021, động cơ chính khiến người dân ăn thịt thú rừng là bởi họ tin đây là món ăn tươi, ngon, giúp chứng tỏ đẳng cấp trong xã hội, hoặc để bồi bổ sức khỏe. Trong đó, đối tượng có nhu cầu cao nhất thường nằm ở các đô thị lớn.

Chính vì vậy, chương trình của thành phố cũng tập trung vào truyền thông thay đổi hành vi, tiếp cận đa dạng đối tượng và vận động họ không tiêu thụ thịt thú rừng. Cùng với những chiến dịch truyền thông về giảm cầu tiêu thụ thịt ĐVHD đã được phát động trong những năm qua, những sáng kiến của thành phố Tam Kỳ sẽ góp phần tạo thành một trào lưu sống xanh của các cộng đồng thành thị.

Ông Nguyễn Minh Nam, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Tam Kỳ chia sẻ: “Giảm nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng ở các trung tâm đô thị như thành phố Tam Kỳ sẽ có tác động mạnh tới việc giảm săn bắt trộm tại các khu bảo tồn lân cận, bảo vệ các loài thú hoang dã và các cánh rừng cho các thế hệ mai sau. Tam Kỳ có thể đạt được các mục tiêu đặt ra khi có sự chung tay, góp sức của toàn thể người dân thông qua các hành động thiết thực nhất như không tiêu thụ thịt ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD, đồng thời kêu gọi người thân, bạn bè cùng hưởng ứng hành vi tốt đẹp này.

Tam Kỳ với vị trí địa chiến lược quan trọng những năm qua đã tích cực đầu tư về mọi mặt và trở thành trung tâm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam cũng như đang định hướng phát triển thành đô thị sinh thái. Với điều kiện tự nhiên đặc thù, sở hữu năm con sông, năm ngọn núi và bờ biển dài liên kết với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, chính quyền thành phố xác định, dù xây dựng các khu đô thị hiện đại nhưng yếu tố cảnh quan thiên nhiên sẽ được bảo tồn tối đa để tạo nên vóc dáng của đô thị Tam Kỳ trong tương lai.

Ông Từ Văn Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (CCKL) kiêm Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Dự trữ Các-bon và Đa dạng Sinh học giai đoạn II (CarBi 2) tỉnh Quảng Nam, chia sẻ: “Chúng tôi ủng hộ và sẵn sàng đồng hành cùng thành phố Tam Kỳ lên kế hoạch cụ thể để xây dựng nhiều hoạt động hào hứng và gần gũi với người dân, tạo điều kiện để thành phố triển khai các sáng kiến và mô hình mới, hỗ trợ kỹ thuật dựa trên cách tiếp cận mà thành phố đang nỗ lực phát huy để đạt được các mục tiêu mà thành phố đã đề ra”.

Dự án CarBi 2 do WWF-Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam và Thừa Thiên Huế thực hiện với sự hỗ trợ của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). Dự án là một phần của Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI), Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Liên Bang (BMU) ủng hộ sáng kiến này trên cơ sở đồng thuận của Quốc hội Liên bang Đức. 

Trung tâm Thông tin du lịch