Tỉnh Điện Biên: Hoàn thành việc cắm mốc khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé

Cập nhật: 06/08/2009
Những năm qua, khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên chưa được cắm mốc xác định ranh giới, nguy cơ xâm hại đất rừng là rất lớn. Từ ngày 20/3 đến 25/5/2009, Trung tâm Quy hoạch và Thiết kế nông, lâm nghiệp tỉnh Ðiện Biên phối hợp các ngành chức năng huyện Mường Nhé, tiến hành khảo sát, xác định ranh giới và vị trí cắm mốc, bảng nội quy, biển báo.

Theo quy hoạch, vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Mường Nhé có diện tích 45.581 ha bao hàm rừng phòng hộ, rừng sản xuất thuộc các xã: Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé, Nậm Kè. Thạc sĩ Lò Quang Chiêu, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Thiết kế nông lâm nghiệp (Sở NN-PTNT), cho biết: "Hiện còn ba bản Huổi Ðá, Huổi Thanh I và Huổi Thanh II (xã Nậm Kè) nằm trong vùng lõi khu bảo tồn; ba bản: A Pa Chải (xã Sín Thầu), Ðoàn Kết (xã Chung Chải) và Tà Háng (xã Mường Toong) nằm sát ranh giới của khu bảo tồn. Do vậy, nguy cơ lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã, phá rừng làm nương rất dễ xảy ra".

Toàn tuyến khu bảo tồn có địa hình phức tạp, độ dốc cao, có những nơi vừa đi vừa phát cây mở đường. Những đỉnh núi cao cần phải xác định, anh em bám vào rễ cây, bò theo vách đá để leo lên. Họ đã đo chiều dài những cánh rừng để xác định vị trí đường ranh giới vùng lõi trên địa bàn bốn xã, 19 bản nằm trong khu BTTN; xác định 124 mốc, 90 biển báo, 34 bảng nội quy, với tổng chiều dài ranh giới 119.640 m (119,64 km).

Việc xác định vị trí cắm mốc được các thành viên trong tổ công tác căn cứ vào bản đồ thiết kế sơ bộ hệ thống mốc, bảng nội quy và tọa độ địa lý của từng mốc, dùng máy định vị GPS để xác định vị trí của mốc ngoài thực địa. Tổ công tác còn lập biên bản mô tả cụ thể ranh giới khu bảo tồn, cắm mốc giới, lập hồ sơ ranh giới giao cơ quan chủ quản để bàn giao cho Ban Quản lý Khu BTTN Mường Nhé quản lý, bảo vệ.

Với việc hoàn thành công tác quy hoạch, cắm mốc, điều đó cho thấy khi rừng bảo tồn được phân chia mốc giới, đồng nghĩa với việc "đất đã có chủ", tạo cơ sở pháp lý để thực thi các biện pháp quản lý; xử lý những trường hợp cố tình hủy hoại tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng; cảnh báo và ngăn chặn việc người dân di cư tự do đang chờ cơ hội thẳng tiến vào khu bảo tồn để mưu sinh; đồng thời làm cơ sở xây dựng các dự án phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học và các nguồn gien quý hiếm, phục vụ nghiên cứu khoa học...

Nguồn: ND