Hà Nội: Ưu tiên bảo vệ môi trường hồ Tây

Cập nhật: 11/04/2023
Chuyện tháo dỡ những chiếc tàu, thuyền cũ kỹ, xuống cấp ở hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội) thi thoảng lại được nhắc đến.

Sau 6 năm dừng hoạt động dịch vụ văn hóa, Hà Nội dự kiến cho phép nhiều loại hình kinh doanh mở lại ở hồ Tây

Sau 5-6 năm, đến nay vẫn còn ba con tàu cùng mặt sàn một bến thuyền chưa được tháo dỡ. Đó là những gì còn lại của thời mặt nước hồ Tây trở thành nơi kinh doanh nhà hàng ăn uống… Thời đó dài hàng chục năm, gây nhiều bức xúc cho người dân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng hệ sinh thái và môi trường nước ở hồ. Phải tới năm 2017, do không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh môi trường; phòng cháy, chữa cháy, kiểm định phương tiện... nên TP Hà Nội chỉ đạo chấm dứt toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong phạm vi quản lý hồ Tây, đồng thời lên kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để 147 phương tiện ra khỏi hồ…

Thế nên, việc lấy ý kiến chung quanh dự thảo Quy định quản lý và khai thác hồ Tây khiến nhiều người tiếp tục lo lắng. Điều được quan tâm nhất là trong dự thảo nêu ra 12 loại dịch vụ kinh doanh ở khu vực hồ, bao gồm: kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng ca-nô, xe đạp nước trên hồ; vận chuyển khách bằng phương tiện thủy (kết hợp các công ty lữ hành du lịch quốc tế và nội địa trong khu vực); biểu diễn nhạc nước, thuyền buồm, dù lượn…

Người dân lo, chuyên gia môi trường cũng lo, bởi nếu việc “nối lại” các hoạt động khai thác mặt nước hồ Tây thành hiện thực thì sớm hay muộn, cảnh quan hồ Tây lại bị xáo trộn và sự ô nhiễm nước hồ sẽ ngày một nghiêm trọng hơn vì khó có biện pháp giám sát các “cửa hàng ăn uống di động” trên mặt hồ.

Phong cảnh hồ Tây rõ ràng là điều kiện thuận lợi để khai thác và phát triển du lịch. Quanh hồ có nhiều di tích, làng nghề, cảnh quan đặc biệt. Giá trị của hồ Tây còn ở yếu tố văn hóa, tâm linh, mang đậm dấu ấn riêng của Hà Nội. Những giá trị này đang ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân Thủ đô, người dân trong nước và du khách nước ngoài. Trong khi ngành du lịch Hà Nội vẫn cần có thêm những tua tuyến mới, thì việc khai thác hồ Tây cũng là một hướng. Việc để cho các doanh nghiệp đầu tư khai thác các loại hình dịch vụ trên mặt nước hồ Tây ở thời điểm này không khó, thậm chí có nhiều doanh nghiệp quan tâm, sẵn sàng “đợi đèn xanh” là vào cuộc ngay. Song, cái khó là quản lý. Những gì xảy ra trước đây ngay trên chính hồ Tây là bài học cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Phát triển du lịch, thu hút du khách, tạo thêm các địa chỉ mới để du khách tham quan, tiêu dùng là việc cần triển khai, nhưng nên lấy tiêu chí bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học làm đầu. Phải ưu tiên việc bảo tồn, đừng đặt lợi ích kinh tế đầu tiên. Đối với các ngành nghề kinh doanh, thành phố cần nghiên cứu kỹ về quy mô, mật độ, các quy định về tiếng ồn, nước thải…; khi cho phép mở lại các dịch vụ phải thực hiện chặt chẽ hơn các nơi khác.

Nếu không, chúng ta tiếp tục phải hứng chịu những hệ quả xấu khi khai thác mặt nước hồ Tây làm du lịch. Không có cách ứng xử khéo léo, chúng ta sẽ lại có lỗi với hồ Tây!

Thanh Xuân

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 09/04/2023