Cồng chiêng - nét văn hóa độc đáo của người K’Ho Lạch

Cập nhật: 10/07/2023
Không dừng lại ở hình ảnh của những thảm hoa rực rỡ nhiều màu sắc, đồi Mộng Mơ, thành phố Đà Lạt còn nổi tiếng vì hiện đang lưu giữ một trong những nét văn hóa đẹp nhất của đồng bào Tây Nguyên – cồng chiêng, văn hóa âm nhạc của người K’Ho Lạch.

Người K'ho Lạch (hay còn viết Làc, Lat, M’Lates) là tên gọi của một nhóm cư dân nhỏ người Kơ ho, sống lâu đời trên cao nguyên Langbiang. “Lạch”, theo tiếng địa phương, có nghĩa là “rừng thưa” dùng để chỉ vùng rừng thông, đồi trọc từ dãy Langbiang trải dài xuống Tây Nam, bao gồm cả thành phố Đà Lạt ngày nay.

Trong văn hóa của người K'ho Lạch tại Lâm Đồng, cồng chiêng chính là công cụ thể hiện quyền uy, sự giàu sang của gia đình, dòng tộc, bản làng

Trong văn hóa của người K'ho Lạch tại Lâm Đồng, cồng chiêng chính là công cụ thể hiện quyền uy, sự giàu sang của gia đình, dòng tộc, bản làng. Ngoài ra, cồng chiêng còn mang ý nghĩa về mặt tâm linh sâu sắc, là cầu nối giữa người sống với tổ tiên, thần linh.

Tuy nhiên, trước thực trạng nhiều nét văn hoá, âm nhạc truyền thống của dân tộc đang ngày càng bị mai một, một nhóm nghệ sĩ trẻ người dân tộc K’ho Lạch đã tổ chức chương trình ca nhạc và giao lưu biểu diễn văn hóa cồng chiêng vào mỗi dịp cuối tuần tại chợ đêm Đà Lạt nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Qua đó, không chỉ lan tỏa văn hóa đặc sắc của của dân tộc K’ho Lạch mà còn giúp du khách hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào thiểu số, thưởng thức rượu cần, thịt nướng bên ánh lửa bập bùng cùng với điệu nhạc và âm vang cồng chiêng…

Khu vực sân khấu nhìn từ trên cao tại chợ đêm Đà Lạt.

Theo anh Da Gout Biu (34 tuổi, người dân tộc K'ho Lạch) - Trưởng ban tổ chức chương trình ca nhạc "Giao lưu văn hóa cồng chiêng" tại chợ đêm Đà Lạt, cho biết, chương trình do chúng tôi tổ chức và biểu diễn đã được Sở Văn hóa Thể thao - Du lịch tỉnh Lâm Đồng cấp phép. Chương trình này diễn ra thường niên từ thứ hai đến chủ nhật hàng tuần. Cụ thể, từ thứ hai đến thứ năm thì đoàn sẽ biểu diễn nhạc cụ dân tộc người dân tộc K'ho Lạch với hát, còn từ thứ sáu đến chủ nhật sẽ tổ chức chương trình giao lưu văn hóa cồng chiêng cho du khách thập phương.

Chương trình ca nhạc được tổ chức nhằm giới thiệu văn hóa của người dân tộc K'ho Lạch ở dưới chân núi Long Giang cho du khách biết về những điều mộc mạc nhất, những thứ dân gian nhất tới du khách các vùng miền ở khắp mọi nơi trên cả nước.

Những người nghệ sĩ dân tộc K'ho Lạch thể hiện tiếng hát của dân tộc mình

"Với sự phát triển không ngừng của xã hội hiện nay, khi nước ta du nhập quá nhiều loại hình âm nhạc mới hiện đại thì theo thời gian nếu chúng ta không duy trì những nét văn hóa độc đáo này, nó sẽ bị mai một. Do vậy, tôi và các nghệ sĩ ở đây đều là thế hệ sau, chúng tôi biết mình cần phải có trách nhiệm gìn giữ, quảng bá văn hóa độc đáo của dân tộc mình để nhiều người biết hơn nữa. Có như vậy, văn hóa cồng chiêng của người dân tộc K'ho Lạch mới tồn tại được lâu dài" - anh Da Gout Biu chia sẻ.

Đến du lịch Đà Lạt và tham gia chương trình, anh Nguyễn Đình Trung (Hà Nội) bày tỏ: " Khi tôi đi qua khu vực chợ đêm, thấy mọi người tập trung rất đông để thưởng thức âm nhạc cồng chiêng của người dân tộc K'ho Lạch nên tôi đã rủ các bạn mình vào xem. Đây là lần đầu tiên tôi được xem chương trình âm nhạc của người dân tộc nên tôi thấy rất thú vị và tự hào khi đất nước Việt Nam có một nét văn hóa đặc sắc như vậy. Khi nghe những âm hưởng du dương cùng giai điệu của cồng chiêng tôi cảm thấy những âm thanh này như đang diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ và nó còn khiến tôi có cảm giác như được hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng, như đã và đang sống mãi cùng đất trời và con người nơi đây”.

Chương trình luôn thu hút đông đảo người dân cũng như khách du lịch đến xem

Ngoài ra, khi du khách tham quan Đà Lạt không chỉ được khám phá những loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc K’Ho Lạch, mà còn có thể trực tiếp tham gia những điệu múa, phong lễ hội của đồng bào dân tộc nơi đây. Chính vì thế, chương trình được xem là một trong những điều làm nên sự hấp dẫn của đồi Mộng Mơ – Đà Lạt, không gian văn hóa cồng chiêng của người K’ho Lạch đã thu hút hàng triệu lượt du khách đến với mảnh đất này./.

Thương Nguyễn

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 23/03/2023