Công nghệ xanh, đòn bẩy bảo vệ môi trường

Cập nhật: 22/09/2009
Là một trong năm quốc gia dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, bởi vậy, nếu không có các giải pháp kịp thời và hiệu quả, Việt Nam sẽ phải chịu nhiều hệ lụy từ môi trường trong tương lai. Song song với phát triển kinh tế, Việt Nam đang rất cần những công nghệ xanh, đó chính là sự lựa chọn hợp lý nhằm đối mặt với những thách thức về môi trường.
Đó là đánh giá của ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ năng lượng, Bộ Công Thương tại sự kiện GREEN-BIZ 2009 trong ngày khai mạc 17/9/2009.

Đây là sự kiện quốc tế lần đầu tiên tại Việt Nam do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức trong hai ngày nhằm giới thiệu công nghệ xanh của hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu của châu Âu.

GREEN-BIZ 2009 là cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp… thảo luận, học hỏi và tìm ra hướng phát triển bền vững, thân thiện môi trường.

Tại hội thảo chuyên đề về “Giải pháp của Siemens cho vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”, một trong 7 hội thảo chuyên đề tại GREEN-BIZ 2009 thu hút sự quan tâm của hàng trăm chuyên gia trong và ngoài nước đến từ các lĩnh vực khác nhau, ông Tạ Văn Hường nhấn mạnh, đổi mới công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường tính hiệu quả trong khâu sản xuất, truyển tải và sự dụng điện, đồng thời giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Các công nghệ của giải pháp liên quan đến môi trường của Siemens đã tạo ra doanh số xấp xỉ 19 tỉ euro trong năm tài khóa 2008, chiếm khoảng một phần tư tổng doanh thu của toàn bộ công ty. Các sản phẩm trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2008 hiện vẫn đang hoạt động tốt đã giúp giảm được tới 148 triệu tấn khí CO2 mỗi năm.

Hiện nay, ở Việt Nam, các giải pháp về môi trường đang tập trung thực hiện để giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đó là: Năng lượng tái tạo như điện gió, hoà lưới cho phong điện, tuốc bin hơi cho nhiệt điện sử dụng năng lượng mặt trời; Giải pháp công nghệ về môi trường như công nghệ nước sạch, kiểm soát ô nhiễm môi trường; Giải pháp tiết kiệm năng lượng như nhà máy nhiệt điện chu trình kết hợp, truyền tải điện với dòng điện một chiều, chiếu sáng hiệu quả.

Việt Nam được đánh giá là một trong 14 nước giàu tiềm năng thủy điện nhất thế giới với nhiều nhà máy thủy điện lớn, nhỏ đã và đang được xây dựng. Những nhà máy nhiệt điện chu trình kết hợp sử dụng công nghệ của Siemens ước tính đạt tới hiệu suất hơn 60%. Việc kết hợp nhiệt và điện có thể cho phép đạt hiệu suất hơn 90%. Nhờ có công nghệ truyền tải dòng điện một chiều của Siemens, điện năng có thể được truyền tải với một khoảng cách lên tới 2.000km với mức tổn hao thấp nhất.

Theo ông Hường, các công trình hiện đang sử dụng công nghệ năng lượng của Siemens không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính, mà còn là nơi phát triển công nghệ, năng lực vận hành các thiết bị hiện đại.  

Tại hội thảo, năng lượng tái tạo, phong điện được thảo luận sôi nổi, bởi tiềm năng lớn của Việt Nam với nguồn năng lượng này. Dự án nhà máy phong điện 1 thuộc địa bàn huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách bờ biển khoảng 300m, với lượng gió khá dồi dào đang là dự án phong điện có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, mở ra triển vọng lớn về nguồn năng lượng sạch cho Việt Nam.

Ngoài ra, các chuyên gia quốc tế còn đưa ra kinh nghiệm bảo vệ môi trường từ xe buýt hai tầng nổi tiếng của Luân Đôn (Anh) sử dụng động cơ diesel hỗn hợp phù hợp với hệ thống truyền động và hệ thống thắng phục hồi năng lượng chuyên biệt. So với các loại xe buýt hai tầng thông thường khác, loại xe này thải ít hơn 405 lượng khí thải vào môi trường và tiết kiệm được khoảng 30% nhiên liệu. Đây sẽ là kinh nghiệm hữu ích bảo vệ môi trường mà Việt Nam có thể áp dụng.

Về sự kiện GREEN BIZ 2009, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định: “Sự kiện môi trường đầu tiên này là sáng kiến quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam cũng như là một bước sáng tạo trong chương trình hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu. Đây là sự kiện có thể mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho các bên tham gia trong bối cảnh Việt Nam đang có nhu cầu lớn về các giải pháp kinh doanh xanh để giải quyết các thách thức về môi trường, trong khi các doanh nghiệp châu Âu lại là những người tiên phong trong việc chuyển giao các sáng kiến về công nghệ”.

Nguồn: Báo NDĐT