Kinh tế xanh 

Cập nhật: 09/09/2009
Trong khi phải đối phó hàng ngày với gánh nặng cơm áo gạo tiền, mấy ai trong chúng ta chú ý đến một sự biến đổi rất lớn trong đời sống kinh tế thế giới đang được nhiều quốc gia quan tâm hưởng ứng. Đó là nỗ lực xây dựng một nền "kinh tế xanh" theo chiến lược tập trung phát triển những hoạt động kinh tế không gây tổn hại hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, vì những công nghiệp cũ thải vào trong không khí và nước nhiều chất độc, nhất là các chất khí có carbon.

Trái đất đang nóng lên mà con người là một trong những tác nhân chính gây nên tình trạng đó. Các nhà khoa học cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai thế giới phải đối mặt do biến đổi khí hậu, chẳng hạn ngày sẽ càng có thêm nhiều đợt nắng nóng bất thường, nước biển dâng cao và bão lớn gây ngập lụt, bão nhiệt đới cực mạnh xuất hiện thường xuyên hơn làm tê liệt dịch vụ hàng không, hàng hải, nhiệt độ tăng cao ở Bắc cực làm tan băng và một phần ba các loại động, thực vật có khả năng bị biến mất.

Tháng 10/2008, Chương trình Môi trường LHQ phối hợp với các nền kinh tế hàng đầu thế giới triển khai sáng kiến "kinh tế xanh" với nhận định đó là sự lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển bền vững của các quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định, làm dịu khí hậu, ngăn chặn chảy máu tài nguyên và tạo nên bùng nổ việc làm trong thế kỷ XXI.

Có thể hiểu đơn giản kinh tế xanh là những hoạt động kinh tế, đặc biệt là sản xuất thân thiện với môi trường và phát triển năng năng lượng xanh, bao gồm năng lượng bằng sức gió, năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân... Người ta hy vọng rồi đây các nền kinh tế sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo và dự báo năng lượng sinh học sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong ngành năng lượng tương lai.

Trong thực tế, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh không hề đơn giản, vì phương hại đến quyền lợi của các thế lực như những tập đoàn xăng dầu, ngân hàng, xe hơi, bảo hiểm... Việc chuyển đổi sang năng lượng sạch còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại, cụ thể như mạng lưới cung cấp điện lực cũ kỹ cần phải thay đổi để có thể sử dụng cả những loại nhiên liệu thay thế, xe hơi phải được thiết kế lại để giảm ô nhiễm, nhà cửa phải gắn thêm nhiều trang thiết bị để có thể sử dụng loại năng lượng mới.

Vậy thì ngành nào sẽ là mũi nhọn của nền kinh tế xanh?

Trước tiên là ngành xây dựng. Các tòa nhà trong tương lai sẽ được xây dựng với các vật liệu ít gây ô nhiễm hơn, tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình sử dụng và có thể tự chế tạo nhiên liệu.

Sau đó sẽ là các ngành sản phẩm sinh học (thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, giày dép...), ngành chống ô nhiễm môi trường (hệ thống xử lý nước thải, rác...), ngành giao thông vận tải (xe tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng các nhiên liệu thiên nhiên...).

Thế thì nền kinh tế của chúng ta đã làm quen với xu thế này chưa? Thời gian qua, chúng ta đã và đang quá dựa vào khai thác tài nguyên khiến môi trường ngày càng xuống cấp. Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế chủ yếu trong phát triển xanh, đồng thời cũng là lợi thế lâu dài của Việt Nam, nhưng vẫn ở trình độ kém phát triển, có nguy cơ ngày càng tụt hậu xa hơn các ngành kinh tế khác. Đô thị thì ô nhiễm đã vượt quá mức báo động với mật độ xe máy, ô tô dày đặc.

Hẳn chúng ta còn nhớ mấy năm trước đây, những chất thải do hãng đóng tàu Vinashine chôn ở Khánh Hòa gây ô nhiễm môi trường đã khiến dư luận bức xúc và lên án. Đó là sản phẩm của một nền "kinh tế nâu", trong đó người ta xem nhẹ yếu tố bảo vệ môi trường.

Hiện nay, cách Khánh Hòa hơn 200km có một nhà máy phong điện được xây dựng ở Phan Thiết, tận dụng sức gió để tạo ra điện năng. Hải Phòng cũng có một hệ thống như vậy và trong tương lai sẽ còn triển khai thêm tại một số địa phương.

Chúng ta cũng đang tiến hành dự án 3R (Reduce - giảm thiểu, Reuse - tái sử dụng, Recycle - tái chế) với trọng tâm phòng tránh, giảm thiểu phát sinh, tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải, không chỉ giải quyết được các vấn đề ô nhiễm môi trường, giảm thiểu chi phí quản lý mà còn tiết kiệm được đất dành cho việc chôn lấp chất thải rắn.

Thực hiện thành công sáng kiến này sẽ đưa đất nước hướng tới sự phát triển bền vững, cũng là mục tiêu mà kinh tế xanh nhắm đến.

Nguồn: Phunu Online