Hà Giang: Phát huy giá trị tài nguyên, bản sắc văn hóa du lịch cộng đồng

Cập nhật: 31/10/2023
Với những thuận lợi về cảnh quan tự nhiên, tính nguyên sơ, bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, lễ hội được bảo tồn, lưu giữ một cách đậm nét của các bản làng đặc trưng khu vực miền núi, từ khoảng những năm 2000, trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành một số điểm du lịch cộng đồng. Trải qua nhiều giai đoạn thực hiện với các định hướng gắn kết theo các bộ tiêu chí khác nhau, các Làng văn hóa du lịch cộng đồng đã thu hút được lượng lớn du khách, góp phần đưa hình ảnh đẹp của du lịch Hà Giang vươn ra thế giới.

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khun, xã Bằng Lang (Quang Bình) nằm giữa thung lũng thơ mộng có 178 hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống của 4 dân tộc Tày, Nùng, Dao, La Chí. Mỗi dân tộc đều chứa đựng trong mình bản sắc văn hóa riêng biệt và độc đáo. Những năm gần đây, thôn Khun trở thành điểm đến mới của du khách. Trong thôn có các đội văn nghệ dân gian để biểu diễn phục vụ các đoàn khách du lịch bằng những làn điệu dân ca, dân vũ như: Hát cọi, hát Then, đàn Tính, múa bát, múa quạt. Thôn Khun là nơi còn lưu giữ được nhiều làng nghề truyền thống, nổi bật là nghề dệt thổ cẩm, chế tác đàn Tính và đan lát. Từ khi có du lịch, sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ mạnh hơn, đem lại nguồn thu cho bà con. Đó không chỉ là cách để người dân bảo tồn những di sản quý giá cho đời sau, mà còn là dịp để du khách tìm hiểu nét văn hóa, sự khéo léo, sáng tạo của những con người nơi đây.

Du khách tham quan homestay của ông Nguyễn Văn Cậy tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang).

Bên cạnh không gian làng bản yên bình, trong lành và thoáng mát, thôn Khun còn sở hữu một hệ thống hang động kỳ vĩ. Hang Bó Mỳ có chiều sâu gần 2 km, chiều ngang rộng nhất đến khoảng 20 m, phần cao nhất trong hang khoảng 50 m, được chia làm 2 phần, hang khô và hang nước. Phần cảnh quan tham quan chính cho du khách là hang nước, còn hang khô được xem như một lối ra khác của hang. Trong hang thường có sương ẩm, mù, là nơi sinh sống của loài cá Dầm xanh quý hiếm. Cùng với sự kiến tạo của thiên nhiên, nhũ đá, thạch đá trong hang Bó Mỳ có đa dạng hình khối; càng vào sâu, những khối đá, dải thạch nhũ hình thù kỳ lạ xuất hiện càng nhiều, tạo cảm giác vô cùng thích thú và tò mò cho du khách.

Thôn Khun hiện có 4 hộ cải tạo nhà ở thành homestay. Anh Nguyễn Văn Hoành cho biết: “Khi làm homestay tôi đã thiết kế thêm những cọn nước ở trước sân nhà. Xưa kia, cọn nước được coi là biểu tượng văn hóa của người Tày. Chính những chiếc cọn nước ngày đêm reo vui, cõng nước tưới tiêu cho đồng ruộng đã đem lại mùa vàng ấm no cho bản làng. Nhờ làm sống dậy bản sắc văn hóa dân tộc, homestay của gia đình tôi thường xuyên đón các đoàn du khách đến nghỉ dưỡng. Cùng với người dân địa phương, chúng tôi đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí để chính thức được công nhận là Làng Văn hóa du lịch cộng đồng”.

Khách du lịch trải nghiệm nghề đan lát truyền thống tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khun, xã Bằng Lang (Quang Bình).

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang không xa, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) hiện lên thanh bình giữa mùa lúa chín vàng; là nơi lưu giữ khá nguyên vẹn truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Tày. Cùng với quá trình xây dựng Nông thôn mới, thôn được đầu tư đồng bộ, khang trang cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ cho phát triển KT - XH, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19, với lượng du khách đến đều đặn, các hộ đang tiếp tục mở rộng homestay để phục vụ khách du lịch.

Ông Nguyễn Văn Cậy, một trong những hộ làm homestay sớm nhất ở thôn Tha cho hay: “Trung bình mỗi tháng, homestay của gia đình tôi đón 60 - 70 lượt khách lưu trú. Du khách sau khi đến các điểm tham quan ở thôn Khuổi My, Lùng Vài thường quay về tắm thác ở thôn Tha rồi nghỉ ngơi, ăn uống. Ẩm thực của đồng bào dân tộc Tày rất hấp dẫn, toàn những đặc sản do người dân làm ra. Du khách vừa thưởng thức những món ăn ngon, vừa ngắm cá Bỗng, hòa mình cùng nét đẹp văn hóa của dân tộc. Ngoài làm homestay, tôi đã đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi để làm phòng nghỉ Bungalow bằng vật liệu tự nhiên là gỗ, tre, nứa, đơn giản, mộc mạc nhưng đầy đủ tiện nghi”.

Hiện nay, toàn tỉnh có 52 Làng văn hóa du lịch cộng đồng. Sản phẩm du lịch cộng đồng của tỉnh đang được thực hiện xây dựng theo mô hình Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng tiến tới áp dụng phù hợp với tiêu chí trong xây dựng Làng văn hóa du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN. Ngoài ra, một số nơi đầu tư theo hướng chất lượng cao hình thành hệ thống Bungalow, khu nghỉ dưỡng mini gắn với du lịch cộng đồng và mô hình thu hút đầu tư hình thành tổ hợp dịch vụ du lịch cộng đồng. Các Làng văn hóa du lịch cộng đồng đi vào hoạt động, khai thác khá hiệu quả, thu hút đông đảo du khách, góp phần tăng cao thu nhập cho người dân, phát huy tốt giá trị tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương.

Để phát triển bền vững du lịch cộng đồng, Hà Giang luôn ưu tiên các nguồn lực phát triển hạ tầng du lịch, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, làm cơ sở xây dựng, củng cố, hình thành chuỗi liên kết, cung ứng dịch vụ, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch với xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, đưa du lịch trở thành mục tiêu trong xây dựng, triển khai các chương trình dự án phát triển KT - XH vùng nông thôn, nhất là những vùng có tiềm năng. Đồng thời, tỉnh cũng đang tập trung nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách có tính khả thi, ổn định, đáp ứng với thực tiễn tình hình mới trong phát triển du lịch nông thôn cũng như tăng cường các các giải pháp hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch.

Bài, ảnh: Mộc Lan

Nguồn: Báo Hà Giang - baohagiang.vn - Đăng ngày 26/10/2023