Quảng Nam: Khai thác du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường

Cập nhật: 26/12/2023
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để các mô hình làng du lịch nông thôn được định vị và phát triển theo hướng bền vững, cần đi kèm sản phẩm đậm chất văn hóa bản địa. Trong đó, bảo vệ môi trường gắn với duy trì bản sắc văn hóa địa phương là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch nông thôn tại Quảng Nam.

Người dân và du khách cùng tham gia lễ hội cầu bông tại làng rau Trà Quế, Hội An

Những điểm đến du lịch nông thôn đã khẳng định được thương hiệu ở Quảng Nam đều có thể nhận thấy những điểm nhấn đặc biệt như vẫn còn bảo tồn, giữ gìn cảnh quan, không gian của làng quê điển hình xứ Quảng; giữ gìn và phát triển sản phẩm truyền thống chủ đạo của làng nghề, sự độc đáo của văn hóa phi vật thể, nghệ nhân gắn bó với làng để thực hành, trao truyền, giới thiệu về văn hóa của làng cho du khách và thế hệ trẻ của làng. Quan trọng hơn nữa là sự chung tay của cộng đồng, sự hỗ trợ của chính quyền cùng với cộng đồng định hình sản phẩm du lịch, do chính người dân làm chủ, cùng khai thác, cùng hưởng lợi,…

Trong một tọa đàm tham vấn doanh nghiệp về chủ đề “Phát huy sự sáng tạo giá trị bản địa trong hoạt động du lịch ở Quảng Nam” do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (QTA) và UNESCO phối hợp tổ chức trước đây, ông Võ Phùng, Phó Chủ tịch QTA chia sẻ: Trong mục tiêu phát triển du lịch bền vững ở Quảng Nam, những doanh nghiệp tiên phong, những người làm du lịch tử tế đã chọn nương tựa vào tự nhiên và văn hóa để làm chất liệu. Cách ứng xử với giá trị bản địa từ góc nhìn của sự sáng tạo, góp phần hình thành giá trị đặc trưng cho sản phẩm du lịch, xác lập nền tảng cho tăng trưởng xanh cho du lịch Quảng Nam. Sự sáng tạo sẽ là một giải pháp để phát huy giá trị văn hóa bản địa như một sản phẩm du lịch đặc trưng và khan hiếm, tiếp cận mục tiêu du lịch xanh Quảng Nam, hướng đến thị trường quốc tế.

Khi xây dựng sản phẩm du lịch gắn với văn hóa bản địa đặc trưng của Quảng Nam cần phải chú trọng đến việc làm sáng tỏ thêm những yếu tố đặc trưng - khác biệt cần khai thác. Sử dụng chất liệu “giá trị di sản” một cách sáng tạo là vấn đề cần phát huy trong hoạt động du lịch ở Quảng Nam, nhằm thiết lập nền tảng cho sản phẩm du lịch đặc trưng, có chiều sâu và chạm đến sự tử tế trong dịch vụ du lịch. Đây là những nội dung quan trọng, mật thiết về tính sáng tạo giá trị bản địa trong hoạt động du lịch ở Quảng Nam, thông qua bức tranh đa sắc màu giá trị của văn hóa, với những phương diện tiếp cận khác nhau, như văn hóa tâm linh, văn hóa truyền thống miền biển, văn hóa đặc trưng của vùng núi Quảng Nam.

Những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Cơ-tu sẽ là dư địa tạo sản phẩm du lịch đặc trưng cho Làng VHDLCĐ Pơrning

Chẳng hạn như ở Làng Văn hóa - Du lịch cộng đồng Pơ Ning, huyện Tây Giang, giá trị văn hóa truyền thống, giá trị cộng đồng của tộc người Cơ-tu chính là dư địa trong việc tạo sản phẩm du lịch đặc trưng miền núi Quảng Nam.

Huyện Tây Giang xác định, “lấy văn hóa đoàn kết dân tộc, xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, lấy văn hóa nuôi sống văn hóa bằng các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, cộng đồng, lấy văn hóa phát triển toàn diện và bền vững”. Làng xác định rừng còn, văn hóa còn, du lịch phát triển, rừng mất văn hóa phôi phai - du lịch không còn môi trường để tồn tại. Đó là mối gắn kết biện chứng không tách rời nhau trong định hướng phát triển của làng Pơrning nói riêng, huyện Tây Giang nói chung.

Ông Nguyễn Đức Minh - nhà nghiên cứu văn hóa đã đưa ra những gợi ý về sự sáng tạo, nương tựa vào giá trị văn hóa bản địa trong xây dựng sản phẩm du lịch xanh tại  Di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An. Lấy dẫn chứng cụ thể như có thể xây dựng “Tour tham quan văn hóa tâm linh Đô thị cổ Hội An” nhằm thu hút du khách trong xu thế du lịch hậu Covid-19. Trong đó nhấn mạnh đến việc phát huy, nhìn nhận giá trị yếu tố văn hóa tâm linh của Đô thị cổ Hội An một cách trân trọng hơn, đầy đủ hơn, sáng tạo để sản phẩm đảm bảo tính nhân văn, tôn trọng truyền thống và giảm áp lực đến di sản.

Theo nhiều chuyên gia, những yếu tố cần thiết để đảm bảo khai thác, phát triển hoạt động nông nghiệp thành sản phẩm du lịch hấp dẫn như:  Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp (điểm đến) phải chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo các yếu tố môi trường, hệ sinh thái, kết nối với các điểm du lịch khác; Phải mang lại thu nhập trực tiếp và sinh kế cho người dân thông qua cung cấp dịch vụ cho khách du lịch; Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông thôn,…

Du khách thích thú tham gia đoàn rước sắc bùa đầu năm mới ở phố cổ Hội An

Được biết, Sở VHTTDL Quảng Nam cũng xây dựng đề án hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, trong đó, có 7 điểm đến sẽ được hỗ trợ. Ngoài ra 4 điểm DLCĐ trên địa bàn TP Hội An là : Làng du lịch Rừng Dừa Bảy Mẫu, Làng rau Trà Quế,  Làng gốm Thanh Hà và Làng mộc Kim Bồng  sẽ do UBND thành phố Hội An bố trí kinh phí hỗ trợ theo nội dung và định mức chi được quy định.

Tại các điểm đến này sẽ hướng đến khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch cộng đồng sẵn có của các địa phương, đặc biệt là những nơi có tiềm năng về du lịch nông nghiệp, nông thôn, miền núi, làng quê, làng nghề theo hướng du lịch xanh, bền vững; tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia làm du lịch, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần phát triển nền kinh tế xanh bền vững.  Khai thác du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thiên nhiên, làng quê, làng nghề của cộng đồng địa phương.  Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành hỗ trợ đầu tư và đưa vào khai thác các điểm du lịch cộng đồng đảm bảo theo hướng du lịch xanh.

Khánh Chi

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 22/12/2023