Quảng Nam: Đồng bào Cơ Tu làm du lịch xanh gắn với bảo tồn văn hóa

Cập nhật: 02/01/2024
Lấy văn hóa làng Cơ Tu làm nét chủ đạo, từ đó phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của làng chính là cách làm du lịch văn hóa bền vững ở huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Trong đó đặc biệt chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa làng Cơ Tu, giữ gìn môi trường để phát triển du lịch xanh, bền vững, hài hòa với môi trường thiên nhiên.

Giữ bản sắc làng Cơ Tu để thu hút khách

Làng du lịch cộng đồng (DLCĐ) Ta Lang, xã Bha lê, huyện Tây Giang là mô hình điểm phát triển du lịch sinh thái trên nền tảng văn hóa làng Cơ Tu được Viện phát triển châu Á, Dự án Trường Sơn xanh, Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam phối hợp với huyện Tây Giang triển khai, đưa vào phục vụ khách vào cuối năm 2019. Điểm độc đáo ở làng DLCĐ Ta Lang chính là tinh thần đoàn kết, kết cấu cộng đồng trong văn hóa làng Cơ Tu, đặc biệt, ở Ta Lang, lợi ích cộng đồng luôn được đặt lên hàng đầu. Vì đặt lợi ích cộng đồng làng, dựa vào văn hóa cộng đồng làng để làm du lịch, nên khi triển khai dự án du lịch, ai cũng xem như việc chung của làng, cùng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của làng Cơ Tu để cùng làm du lịch và cùng chia sẻ quyền lợi.

Nghi thức nhập làng để khách trở thành người của làng DLCĐ Ta Lang

Ông A lăng Hơn, một người dân ở Ta Lang,  kể rằng, văn hóa làng Cơ Tu xưa nay luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Từ khi làm du lịch, người làng cũng mang văn hóa truyền thống ấy ra để ứng xử, đối đãi, đón khách đến với làng.

Khách đến làng đều được đón tiếp bằng nghi thức “nhập làng” trở thành khách quý của làng, cùng trải nghiệm các trò chơi dân gian, học cách làm các món ăn truyền thống của người Cơ Tu. Mọi người ở làng cùng tham gia đón tiếp, phân công nhau từng việc, du khách và người làng sẽ cùng tập trung về nhà Gươl của làng để cùng thưởng thức các món ăn truyền thống. Người làng trình diễn, giới thiệu với du khách các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Cơ Tu, biểu diễn nhạc cụ dân tộc aheen, abel, cùng đan lát, dệt thổ cẩm,…

Đồng bào Cơ Tu trong trang phục từ vỏ cây rừng tái hiện nghi thức lễ cúng đất lập làng

Tại làng Pơr’ning ở vùng biên của huyện Tây Giang, đồng bào Cơ Tu luôn tự hào khi khoác lên mình bộ thổ cẩm truyền thống. Đặc biệt, mỗi khi có khách đến làng, đồng bào tự hào khoác những chiếc áo truyền thống được làm từ vỏ cây rừng để giới thiệu về truyền thống của đồng bào Cơ Tu.

Đây là trang phục cổ xưa của đồng bào Cơ Tu, được cha mẹ, ông bà giữ gìn và truyền lại. Được giới thiệu với du khách trang phục cổ xưa này cũng là cách để giữ gìn, trao truyền, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, góp phần tạo nên bản sắc, điểm nhấn độc đáo để thu hút du khách đến với làng. 

Cùng chung tay làm du lịch xanh

Huyện Tây Giang còn là nơi đang bảo tồn hệ sinh thái rừng nguyên sơ với nhiều cánh rừng hoang sơ, quyến rũ. Tại đây có khu rừng di sản pơ mu có 2.011 cây, trong đó có 725 cây được công nhận là cây di sản Việt Nam; hơn 50 ha rừng đỗ quyên với lễ hội hoa đỗ quyên định kỳ được tổ chức. Địa phương cũng đã ưu tiên đầu tư loại hình du lịch cộng đồng sinh thái phù hợp với đặc thù văn hóa bản làng vùng cao.

Đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang luôn tâm niệm, rừng còn Tây Giang phát triển bền vững, rừng mất Tây Giang suy vong. Bây giờ, đồng bào cũng đã tuyên truyền lại cho du khách, người làng cũng nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa làng trong từng hoạt động phục vụ khách du lịch. Phát triển du lịch những vẫn giữ môi trường sống xanh - sạch, nói không với rác thải nhựa, săn bắt động vật hoang dã, khai thác cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng của những khu rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn của vùng đất này.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch huyện Tây Giang cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển du lịch nói không với rác thải nhựa tại các khu DLCĐ Ta Lang, Pơ’ning; khu du lịch làng truyền thống Cơ Tu, làng cổ Pơ mu, Đỉnh Quế, điểm dừng chân Aliêng,…Bên cạnh đó, địa phương cũng hỗ trợ đầu tư nâng cấp nhà Gươl truyền thống của các làng du lịch cộng đồng, thôn bản, cải tạo cảnh quan, nâng cao dịch vụ du lịch để đón khách lưu trú. Khi bắt tay vào làm, đồng bào đều xem như việc chung của làng, cùng đóng góp vật liệu, công lao động, trồng cây, làm hàng rào tre tạo cảnh quan xanh cho làng. Bên trong nhà Gươl các nghệ nhân điêu khắc rất nhiều muôn thú, vạn vật thể hiện tinh thần coi trọng thiên nhiên.

Du khách hào hứng với những điệu múa truyền thống, biểu diễn nhạc cụ của đồng bào Cơ Tu

Tháng 10/2023, Huyện ủy Tây Giang thông qua Nghị quyết số 17 của Huyện ủy về kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch huyện Tây Giang, giai đoạn 2014 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Địa phương rất chú trọng công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu,…Chẳng hạn như phục dựng và tổ chức thường niên Lễ khai năm tạ ơn rừng; tăng cường các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa, khảo sát, tôn tạo, đề nghị công nhận các di tích lịch sử văn hóa, các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa vật thể và phi vật thể. Khai thác được dư địa văn hóa để kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tâm huyết đồng hành với bà con khai thác tiềm năng du lịch. Cử các đoàn nghệ nhân, diễn viên đi biểu diễn văn hóa truyền thống tại khắp các tỉnh, thành trong cả nước nhằm giới thiệu, quảng bá và mời gọi du khách đến với Tây Giang.

Khánh Chi

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 29/12/2023