Đà Nẵng: Tạo sức hút đối với du lịch đường thủy

Cập nhật: 17/01/2024
Đà Nẵng có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch đường thủy, năm 2023, lượng khách đường thủy đạt hơn 897.000 lượt khách, tăng 29,6% so với năm 2019. Luợng khách đường thủy chủ yếu là khách đi trên tuyến Sông Hàn - Trần Thị Lý, Sông Hàn - Hòn Chảo. Tuy nhiên sự phát triển của du lịch đường thủy hiện vẫn chưa tương xứng với các tiềm năng, lợi thế.

Nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường thủy

Tiềm năng phát triển du lịch kinh tế đường thủy của thành phố Đà Nẵng rất lớn; với hệ thống sông dài 63,2km gồm 7 con sông, trong đó có 19,9km đường thủy nội địa quốc gia gồm sông Hàn, sông Vĩnh Điện và 43,3km đường thủy nội địa địa phương gồm sông Cu Đê, sông Cẩm Lệ, sông Tuý Loan, sông Yên, sông Quá Giáng.

Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã quy hoạch và phát triển 09 tuyến vận tải đường thủy nội địa phục vụ du lịch. Cụ thể, tuyến cầu sông Hàn - Trần Thị Lý (4km); sông Hàn - cửa biển - Bán đảo Sơn Trà (8km); sông Hàn - hòn Chảo; sông Hàn - Cù Lao Chàm (50km); sông Hàn - Ngũ Hành Sơn (13,5km); sông Hàn - Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai (20,2km); sông Cu Đê - Trường Định (10,4km); sông Hàn - Vĩnh Điện (15,2km) và tuyến khu vực Bán đảo Sơn Trà.

Đặc biệt, sông Hàn chảy ngang trung tâm thành phố có khả năng khai thác du lịch đường thủy nội địa và nối liền ra biển, kết nối với Hội An (tỉnh Quảng Nam) qua sông Cổ Cò. Đồng thời, mở rộng tuyến thủy từ Vịnh Đà Nẵng kết nối với Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Dọc theo bờ sông Hàn là những địa điểm quan trọng, trong đó có nhiều di tích lịch sử văn hóa và những công trình hiện đại. Theo Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng, du khách đi tàu trên sông có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp của cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, tham quan con đường Quai Courbet - Bạch Đằng cùng với những công trình kiến trúc Pháp như Bảo tàng Đà Nẵng, Thư viện Tổng hợp Đà Nẵng, di tích quốc gia thành Điện Hải.

Xây dựng các chương trình tham quan trên tuyến đường thủy, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ trên tàu để tạo lợi thế cạnh tranh

Với những lợi thế thiên nhiên ưu đãi, di tích văn hóa lịch sử, khoảng cách địa lý...là điều kiện rất tốt để du lịch đường thủy phát triển. "Việc kết nối giữa Cửa Hàn (Đà Nẵng) và Cửa Đại (Hội An) gợi nhớ một thời hưng thịnh về ngoại thương của Đàng Trong không chỉ bằng đường biển mà còn bằng đường sông. Kết nối bán đảo Sơn Trà với Cù Lao Chàm gợi nhớ địa hình địa mạo đất Quảng thuở hồng hoang tiền sử xưa thật là xưa, khi bán đảo Sơn Trà và Cù Lao Chàm còn núi non liền một dãi trên sóng nước Biển Đông," ông Bùi Văn Tiếng bày tỏ.

Tính đến năm 2023, Đà Nẵng có 19 doanh nghiệp với tổng số 26 tàu du lịch đủ điều kiện hoạt động từ 30 -100 chỗ trở lên với tổng sức chứa hơn 2.000 chỗ với nhiều chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy.

Xác định lượng khách du lịch bằng đường thủy đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng của du lịch, thành phố Đà Nẵng đã khai trương hoạt động tuyến đường thủy nội địa CT15 - Hòn Sụp, Bãi Đa - Bãi Nam; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh khai thác hiệu quả tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý.

Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển du lịch đường thủy

Tại các quốc gia phát triển mạnh về loại hình du lịch đường thủy như Singapore, Italy, Pháp, Mỹ...đều tập trung khai thác các loại hình mang tính đặc trưng như du thuyền, tàu nhà hàng, tàu thủy lưu trú, thuyền buồm. Hầu hết các đô thị ven sông hoặc biển đều phát triển mạnh loại hình du thuyền, tàu thủy lưu trú, du thuyền cá nhân; đồng thời tập trung đầu tư các cảng bến thủy trên các tuyến đường thủy nội địa gần các địa điểm du lịch.

Các địa điểm du lịch được kết nối thuận lợi thông suốt bằng đường thủy nội địa, do đó, du khách du lịch có thể di chuyển dễ dàng từ các cảng đường thủy nội địa bằng các phương tiện giao thông đường bộ, tàu điện ngầm.

 Theo lịch của các hãng tàu đã đăng ký với Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng, năm 2024, Đà Nẵng sẽ đón 45 chuyến tàu biển với hơn 40.000 lượt khách

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện hệ thống dịch vụ kỹ thuật tại một số cảng biển vẫn chưa được xây dựng đồng bộ, nhiều tàu biển không cập được cảng do phải nhường cho tàu chở hàng. Thực tế vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật đường thủy như chưa có cảng biển chuyên dụng, cảng Sông Hàn chỉ là cảng tạm cho du lịch, việc điều chỉnh quy hoạch và đầu tư xây dựng các cảng bến thủy còn chậm.

Việc trình cấp thẩm quyền phê duyệt còn nhiều thủ tục theo quy định, thời gian kéo dài, nhiều dự án chưa được phê duyệt quy hoạch để bảo đảm cơ sở triển khai đầu tư. Cùng với đó, một số quy định về vận tải đường thủy nội địa chưa phù hợp với thực tế, không bảo đảm điều kiện để doanh nghiệp khai thác các loại hình tàu thủy lưu trú du lịch hoặc tàu du lịch cao cấp.

Theo ông Đặng Hòa, nguyên Chủ tịch Hội vận chuyển du lịch đường thủy thành phố, khai thác du lịch đường thủy Đà Nẵng có rất nhiều lợi thế, dọc các tuyến sông gắn với nhiều di tích lịch sử văn hóa; xa hơn là tuyến sông Hàn - Hòn Chảo, tuyến này rất đẹp nhưng cũng chưa có bến để dừng hoặc lên xuống. Do đó, cần có một số điểm dừng nhất định cho du khách, đồng thời cần nghiên cứu kỹ địa hình, luồng lạch để giảm nguy cơ say sóng đối với du khách.

Nhằm khắc phục những vướng mắc, phát huy các tiềm năng lợi thế của du lịch đường thủy, tháng 12/2023, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện cảng Sông Hàn thành cảng chính phục vụ du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế; đầu tư xây dựng đồng bộ bến thủy nội địa làm bến đi và bến đến trên các tuyến đường thủy; quy hoạch hạ tầng, phát triển đa dạng các loại hình tàu cao tốc, tàu thủy lưu trú du lịch, du thuyền. Mở rộng khai thác các tuyến đường thủy kết nối với các địa phương miền Trung; phát triển mạnh loại hình tàu du lịch du thuyền cá nhân, tàu cao tốc.

Theo kế hoạch của UBND thành phố Đà Nẵng, phát triển du lịch đường thủy sẽ gắn liền với đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gia tăng chi tiêu, kéo dài lưu trú của du khách. Đồng thời, nâng cao vai trò quản lý của cơ quan quản lý về du lịch đường thủy nhằm đảm bảo phát triển các sản phẩm chất lượng, bền vững. Đà Nẵng sẽ đề xuất các bộ ngành ban hành chiến lược marketing về du lịch có lồng ghép hoạt động du lịch đường thủy làm cơ sở tăng cường thu hút nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, để doanh nghiệp đầu tư khai thác phát triển cảng bến thủy nội địa phục vụ du lịch.

Đầu tư bến neo đậu tàu thuyền, đón trả khách kết hợp với các hoạt động thương mại dịch vụ tại các tour tuyến đường thủy

Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch, Hiệp hội Du lịch và Chi hội vận chuyển kết nối các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố đảm bảo môi trường kinh doanh; xây dựng các chương trình tham quan các tuyến đường thủy nội địa để phục vụ khách; chú trọng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ trên tàu, xây dựng, tổ chức các chương trình tham quan du lịch đường thủy để tạo lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh khai thác toàn diện các tuyến đường thủy nội địa và đường thủy từ bờ ra đảo đã được phê duyệt quy hoạch, Đà Nẵng sẽ bổ sung quy hoạch một số tuyến đường thủy từ bờ ra đảo và tuyến đường thủy đến các tỉnh thành khu vực duyên hải miền Trung, thực hiện nạo vét luồng lạch đối với các tuyến từ Đà Nẵng đến các địa phương, đặc biệt là tập trung kết nối tuyến đường thủy từ sông Hàn đến Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Công Tâm

Nguồn: Cổng TTĐT TP. Đà Nẵng - danang.gov.vn - Ngày 15/01/2024