Tràng An (Ninh Bình) kiến tạo đô thị di sản thiên niên kỷ - Bài 1: Làm giàu từ du lịch di sản

Cập nhật: 16/04/2024
Từng được ví là tỉnh “4B”: Buồn - bực - bụi - bẩn, Ninh Bình ngày nay đã chuyển mình trở thành nơi đáng sống, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lĩnh vực du lịch mà trọng tâm là bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả các giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO ghi danh năm 2014.

Không chỉ là hình mẫu về sự kết hợp thành công giữa phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa bền vững, Tràng An được kỳ vọng trở thành “trái tim” kiến tạo đô thị di sản thiên niên kỷ của vùng đất cố đô Hoa Lư.

Từ một ngành du lịch non trẻ, du lịch Ninh Bình từng bước trở thành mô hình của ngành công nghiệp không khói được đánh giá cao hiện nay tại Việt Nam. Với định hướng phát triển bền vững gắn với xanh hóa trong khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch, từ đó tạo ra các giá trị kinh tế mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.

Một tháng làm được vài tấn lúa từ du lịch

Trong tiết trời mát mẻ những ngày tháng 3, các khu/điểm du lịch thuộc Quần thể danh thắng Tràng An tấp nập du khách. Đò vừa cập bến, bà An Thị Hương (60 tuổi), trú tại thôn Khê Thượng (xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư) lịch thiệp cúi chào tạm biệt đoàn khách, rồi nhanh chóng sắp xếp áo phao gọn gàng sẵn sàng cho chuyến đò tiếp theo đưa du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Tràng An.

Đây là chuyến đò thứ hai trong ngày giúp bà Hương có thu nhập 400.000 đồng. Bên cạnh mức thu nhập khá khi có ngày cao điểm chèo được 4 lượt đò (tương đương 800.000 đồng), bà Hương còn được công ty lữ hành đóng bảo hiểm. Ở nhà, chồng bà Hương - ông Lưu Văn Nam (63 tuổi) quản lý một homestay (nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê) tên “Luna Nature” với 3 phòng nghỉ. Ngoài ra, gia đình vừa đầu tư 800 triệu đồng để trùng tu ngôi nhà cổ có tuổi đời gần 200 năm để đón khách đến trải nghiệm văn hóa. 

Du khách đi đò thưởng ngoạn danh thắng Tràng An.

Nằm cách bến đò Tràng An gần 2km, thôn Khê Thượng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là dịch vụ đón khách lưu trú. Theo ông Lưu Đình Vinh, Trưởng thôn Khê Thượng: Thôn có 300 hộ với 1.000 nhân khẩu, trong đó khoảng 80% người dân làm du lịch. Trên địa bàn thôn hiện có 20 khách sạn, homestay, đường làng ngõ xóm bảo đảm sạch sẽ bởi trong thôn có đội dọn dẹp vệ sinh đều đặn hằng tuần.

“Du lịch đã làm thay đổi cuộc sống người dân Khê Thượng thế nào?” - chúng tôi hỏi. Giọng phấn khởi, ông Lưu Đình Vinh ví von: “20 năm trước, Ninh Xuân và Trường Yên là hai xã “đội sổ” của huyện Hoa Lư. Người dân trước đây trồng lúa, mò cua, bắt ốc, nhưng mỗi năm không để dư được 1 tấn lúa (giá lúa hiện tại trung bình khoảng 7 triệu đồng/tấn). Hiện nay, du lịch giúp đời sống người dân phát triển, có người chỉ cần làm một tháng đã để dành được vài tấn lúa”.

Theo chân ông Lưu Đình Vinh, chúng tôi đến một số hộ kinh doanh homestay, khách sạn trên địa bàn thôn Khê Thượng. Với quan điểm cộng đồng cùng phát triển, mỗi khi homestay nhà này kín phòng, họ lại chủ động giới thiệu khách sang nghỉ ở nhà bên cạnh. 

Đặt con người làm trung tâm

Năm 2022, trong chuyến công tác tại Ninh Bình nhân kỷ niệm 50 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định: “Tràng An là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững”. Cùng với đó, UNESCO đã chọn Quần thể danh thắng Tràng An là một trong 3 di sản trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững.

Đến nay, Tràng An đã khẳng định được thương hiệu du lịch trong nước và quốc tế. Từ hơn 2,2 triệu lượt khách năm 2014, Tràng An đón hơn 4,6 triệu lượt khách năm 2023, doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng. Mỗi người dân trong vùng di sản trở thành người bảo vệ di sản, hướng dẫn viên du lịch, “đại sứ” đưa Tràng An vươn tầm quốc tế. Số lao động trực tiếp tại Tràng An đạt hơn 10.000 người, lao động gián tiếp hơn 20.000 người.

Từng đi làm công nhân cách nhà 20km, chị Bùi Thị Chính (41 tuổi), trú tại thôn Khê Hạ (xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư) giờ tìm được công việc ổn định là đánh đàn đá và hỗ trợ du khách mặc áo thổ dân tại điểm du lịch Khê Cốc. Trước đây còn làm ở công ty, để có mức thu nhập tốt, chị Chính phải tăng ca, có ngày làm từ 12 đến 14 tiếng đồng hồ, không có thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Chị Chính tâm sự: “Công việc làm du lịch của tôi hiện giờ không những cho thu nhập ổn định hơn mà còn có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình”.

Khu lưu trú (homestay) hài hòa với thiên nhiên trong vùng lõi di sản Tràng An.

Từ sớm, từ xa, Ninh Bình đã chủ động xây dựng cộng đồng dân cư sinh sống trong khu di sản Tràng An là trung tâm của công tác bảo tồn di sản, biến họ thành “tai mắt” trong công tác quản lý di sản, để di sản phải “sống” cùng với sinh kế và đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương. Theo ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, định hướng phát triển du lịch luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh kiên trì, kiên định, xác định du lịch là hạt nhân, là trụ cột chính để phát triển kinh tế - xã hội.

Trên nguyên tắc phát triển xanh, bền vững, lấy du lịch thiên nhiên và văn hóa làm chủ đạo, Ninh Bình xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn. Kể từ năm 2022, các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đều bổ sung tiêu chí về du lịch. Sau khi rà soát, đánh giá, ban hành nghị quyết mới, trong sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Ninh Bình đề ra nhiệm vụ mới, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch vùng của quốc gia, tiến tới của quốc tế.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: Trưởng Hà

Tràng An (Ninh Bình) kiến tạo đô thị di sản thiên niên kỷ - Bài 2: Bứt phá từ hợp tác công, tư

Tràng An kiến tạo đô thị di sản thiên niên kỷ - Bài 3: Định vị bản sắc, xây dựng “Đô thị cố đô - di sản”

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân - qdnd.vn - Đăng ngày 15/4/2024