“Biến” lá bồ đề thành tranh

Cập nhật: 02/05/2024
Nhờ “biến” lá bồ đề thành tranh, anh Ðặng Duy Khánh ở xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, có thu nhập mỗi tháng trên 10 triệu đồng và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương.

Là Phật tử nên từ nhỏ anh Khánh thường xuyên theo cha mẹ đi lễ chùa. Khi vào đại học, anh cũng được gửi vào chùa tá túc để tiện việc học. “Trong khuôn viên ngôi chùa tôi tá túc có nhiều cây bồ đề thường rụng lá xuống những chậu nước. Một lần tình cờ tôi thấy lá bị ngâm lâu trong nước mất chất diệp lục chỉ còn gân, nhìn đẹp và lạ mắt, nên tôi nảy sinh ý tưởng làm tranh lá bồ đề” - anh Khánh kể.

Năm 2020, sau khi tốt nghiệp ngành Quản lý xã hội, Học viện Báo chí tuyên truyền, anh Khánh quyết định về quê khởi nghiệp từ tranh lá bồ đề. Anh cho biết: “Cây bồ đề là một trong những biểu tượng của Phật giáo. Bên cạnh giá trị tâm linh, lá cây đẹp và bền nên tôi nghĩ lấy lá bồ đề làm tranh chủ đề Phật giáo rất phù hợp. Bên cạnh đó còn giúp du khách khi đến Sóc Trăng có được một món quà lưu niệm mang nét riêng của vùng đất này. Ngoài ra, cây bồ đề thường thay lá nhiều lần trong năm nên nguồn nguyên liệu làm tranh sẽ dồi dào”.

Khi bắt tay vào làm tranh, anh Khánh gặp nhiều khó khăn, do không có chuyên môn về mỹ thuật. Anh phải mày mò nghiên cứu suốt nhiều tháng để lên ý tưởng và sơ chế nguyên liệu từ lá bồ đề. Theo anh Khánh, để làm tranh lá bồ đề, phải trải qua nhiều công đoạn vô cùng phức tạp như chọn lá đã rụng hoặc sắp rụng có đủ độ dày, đẹp; tách chất diệp lục ra khỏi xương lá; dùng bàn chải vệ sinh lá thật sạch; tạo hình. “Các khâu đều khó như nhau. Chỉ riêng việc xử lý tách chất diệp lục để ra xương lá trắng làm tranh mất gần 2 tháng mới đạt chuẩn. Dòng tranh này hiện có 2 màu chủ đạo là trắng và vàng, nhưng tôi cũng làm được nhiều màu như tím, đỏ, trắng, xanh nước biển được xử lý nhuộm bằng các loại màu thiên nhiên từ rau, củ, quả” - anh Khánh cho biết.

Tranh về Đoàn thanh niên được in trên lá bồ đề.

Chủ đề tranh lá bồ đề được anh Khánh lựa chọn chủ yếu gồm: tranh hoa bồ đề, cây bồ đề, bướm, đức Phật, thư pháp, cá... Ðể làm tranh hoa bồ đề thì sẽ sử dụng từ vài chục lá đến hàng trăm lá để đính lồng ghép với nhau thành hoa, tùy kích cỡ. Riêng tranh cây bồ đề thì có sử dụng chất liệu vỏ cây khô để đính ghép làm thân cây, lá sẽ sử dụng xương lá bồ đề trắng để làm. Với tranh lá hình Phật và thư pháp thì sử dụng lụa để quét hình lên khuôn. Mỗi bức tranh tùy theo kích cỡ hoặc chủ đề, thường mất từ vài ngày đến vài tuần mới hoàn thiện. “Dòng tranh này có ý nghĩa khi tặng bạn bè, người thân sẽ mang lại bình an, may mắn. Vậy nên sản phẩm tranh được nhiều người ưa chuộng tìm mua” - anh Khánh cho biết.

Sau gần 4 năm khởi nghiệp, anh Khánh đã thực hiện hàng trăm bức tranh từ lá bồ đề và khoảng 5.000 móc khóa in hình Phật Thích Ca Mâu Ni, chữ thư pháp… Mỗi bức tranh nghệ thuật có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng, tùy kích thước, chủ đề và số lượng lá. Nghề này cũng giúp anh Khánh có thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng và giúp hơn chục phụ nữ ở địa phương có thu nhập 200.000-300.000 đồng/ngày từ gia công, sơ chế lá, cắt, ép nhựa và gắn dây lụa tăng tính thẩm mỹ.

Bà Ðặng Thị Sầu Riêng (60 tuổi, ở xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu) cho biết: “Gia đình tôi làm ruộng, rẫy chỉ phụ thuộc vào mùa vụ, thời gian còn lại thường không làm gì. Nhờ được cháu Khánh thuê làm lá bồ đề mà mỗi ngày tôi có thu nhập khoảng 200.000 đồng. Số tiền này đủ để gia đình trang trải chi phí ăn uống, sinh hoạt hằng ngày”.

Hiện nay, anh Khánh còn liên kết với một vài điểm du lịch, cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Sóc Trăng để bỏ mối móc khóa lá bồ đề. Những sản phẩm của anh Khánh cũng được công nhận OCOP 3 sao trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Sóc Trăng. Sắp tới, anh Khánh sẽ tiếp tục chuẩn bị đưa ra thị trường những dòng tranh sử dụng chất liệu lá từ các loại cây đặc trưng ở miền Tây, vẽ về những chủ đề phong cảnh, chân dung…

Bài, ảnh: Nguyễn Trinh

Nguồn: Báo Cần Thơ - baocantho.com.vn - Đăng ngày 02/5/2024