Đức hỗ trợ 3 triệu euro giúp VN bảo tồn sinh học

Cập nhật: 09/11/2010
Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức sẽ hỗ trợ Việt Nam ba triệu euro để triển khai giai đoạn một của dự án bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng.

Được sự Ủy nhiệm của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Kinh tế Đức (BMZ), thỏa thuận thực hiện dự án này đã được ký kết ngày 8/11 tại Hà Nội giữa Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hứa Đức Nhị và Trưởng đại diện Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ) Guenter Riethmacher.
Theo kế hoạch, dự án triển khai tại nhiều khu vực thí điểm gồm Vườn quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn; khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang, tỉnh Tuyên Quang; khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hu và Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa; vườn quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên-Huế và các vùng đệm thuộc các khu vực bảo tồn này.
Với mục tiêu bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, dự án triển khai nhằm tăng cường năng lực về thể chế, tài chính, kỹ thuật cũng như năng lực cán bộ cho công tác bảo tồn đa dạng trong hệ sinh thái rừng Việt Nam, đặc biệt ở cấp quốc gia và tại các khu bảo tồn.
Ngoài ra, dự án còn nghiên cứu và thí điểm cơ chế tài chính cho các khu bảo tồn, đồng thời hỗ trợ việc xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích nhằm đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho các hoạt động bảo tồn và sinh kế của người dân địa phương.
Ông Guenter Riethmacher, Trưởng đại diện Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức cho biết, Chính phủ Đức ưu tiên cho vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học và 10% đa dạng sinh học toàn cầu hiện đang có tại Việt Nam. Chính vì vậy, lâm nghiệp là một trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam và Đức trong thời gian qua.
Việt nam có diện tích rừng tự nhiên vào khoảng 10,3 triệu hécta, chiếm khoảng 31% diện tích của Việt Nam. Tuy niên, chỉ có 0,57 triệu hécta rừng nguyên sinh còn tồn tại. Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lục bảo vệ các hệ sinh thái rừng có tính đa dạng về động thực vật cao này, tuy nhiên việc bảo tồn các khu rừng đa dạng sinh học vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn nên nhiều loại động thực vật hiện đang bị đe dọa.
Theo các dữ liệu khoa học cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 700 loài động thực vật hiện đang bị đe dọa, trong đó, 300 loài bị đe dọa trên toàn cầu.
Từ năm 1993, GTZ đã và đang cùng các cơ quan đối tác Việt Nam tích cực triển khai các dự án phát triển bền vững trong ba lĩnh vực ưu tiên gồm phát triển kinh tế bền vững, quản lý tài nguyên thiên nhiên, xử lý nước thải và chât thải rắn, chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, GTZ còn thực hiện nhiều dự án theo ủy nhiệm của các bộ khác của Cộng hòa Liên bang Đức/.

Nguồn: Vietnam+