Du lịch cũng cần... có trách nhiệm

Cập nhật: 27/08/2012
Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững VN (VBCSD) phối hợp với Tổ chức hợp tác và phát triển Đức (GIZ) và Vụ bảo tồn thiên nhiên (DoNC) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng những phương thức hỗ trợ mô hình du lịch có trách nhiệm với môi trường xung quanh tại các khu bảo tồn với sự tham gia có hiệu quả của khu vực tư nhân vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Gíam đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững (VCCI) cho biết, trong bối cảnh phần lớn các địa điểm du lịch truyền thống đã trở nên quá tải, du lịch tại các khu bảo tồn là một hướng kinh doanh nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên, khai thác hướng kinh doanh này một cách bền vững là thách thức không nhỏ đối với các DN cũng như chính quyền địa phương và các nhà hoạch định chính sách.

Cần cơ chế bảo hộ bản quyền

Gần đây, một số văn bản pháp luật đã được ban hành cho phép một số mô hình đầu tư mới nhằm thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn, đặc biệt trong ngành công nghiệp du lịch. Tuy nhiên số DN hưởng ứng chưa nhiều do còn có khó khăn cho mô hình kinh doanh mới. Số ít DN thực hiện mô hình kinh doanh du lịch này vẫn mang tính tự phát và chưa chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Châu Á - người sáng lập Cty du lịch mạo hiểm Oxalis Adventure Tours, chuyên tổ chức tour du lịch vào các điểm trong vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, hiện có nhiều khó khăn phát sinh trong quá trình kinh doanh du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn. Đó là thủ tục hành chính rườm rà, chi phí tham quan, mức độ tiếp cận và khai thác du lịch, các hóa đơn, chứng từ thuế giá trị gia tăng tại các khu bảo tồn, thông tin về khu bảo tồn giúp DN định hướng được sản phẩm và quyết định đầu tư... Do vậy, các Cty du lịch rất cần có các cơ chế chính sách rõ ràng hỗ trợ DN đầu tư. Chẳng hạn  như hỗ trợ đi khảo sát, hỗ trợ thủ tục đầu tư cũng như các cơ chế chính sách bảo vệ các DN đầu tư, nhất là vấn đề độc quyền tour tuyến để thu hồi vốn.

Đồng quan điểm, bà Tạ Thị Phương Thúy - Cty du lịch  Active Travel Asia cho rằng, hiện nay nhu cầu đầu tư của các DN du lịch tư nhân trong các khu bảo tồn rất lớn, bởi thực tế các DN luôn luôn phát triển, các DN có nhu cầu phát triển sản phẩm mới và đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời cũng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng muốn tìm hiểu những gì thuộc về thiên nhiên, muốn được trải nghiệm mạo hiểm trong khi cuộc sống thành thị đã quá quen thuộc.

Tuy nhiên, các DN vẫn đang loay hoay để tìm hướng phát triển vì thiếu cơ chế pháp lý, bảo hộ nhà đầu tư. Chẳng hạn Active Travel muốn đầu tư một khu camping ground tại một khu bảo tồn thì khu bảo tồn phải cam kết dành cho Active Travel một thời gian độc quyền khai thác khu camping đó, đồng thời không cấp phép xây dựng khu camping khác trong khu bảo tồn... “Mặc dù nhu cầu rất lớn, song vì thiếu các cơ chế pháp lý nên nhiều DN còn e ngại khi đầu tư vào loại hình du lịch này” - Bà Thuý nói.

Tiềm năng đang bị bỏ ngỏ

Các chuyên gia quốc tế nhận định, tại VN có rất nhiều lợi thế để phát triển mô hình kinh doanh này, nếu xét về điều kiện tự nhiên, VN là một nước có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới, với trên 13.200 loài thực vật,  hơn 10.000 loài động vật, trên 3.000 loài thuỷ sinh (riêng trong các hệ sinh thái trên cạn). Các khu rừng đặc dụng, đặc biệt là các vườn quốc gia được công nhận là khu di sản thiên nhiên ở khu vực và thế giới như Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Cát Tiên, Cát Bà, Ba Bể, Hoàng Liên, Chư Mom Ray... rất thích hợp cho các tour du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái... Điều này  đã và đang khiến những nơi này trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Vì vậy các hoạt động du lịch có trách nhiệm tại các khu bảo tồn có tầm quan trọng đặc biệt, đảm bảo cân bằng giữa khai thác và bảo tồn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trên thực tế tỉ lệ kinh doanh du lịch sinh thái tại các điểm này vẫn còn rất hạn chế. Đơn cử như tại Phong nha – Kẻ Bàng, các hoạt động kinhdoanh du lịch vẫn chủ yếu do BQL vườn thực hiện. Hiện mới có một hợp đồng thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái đang được xem xét ký kết với Tập đoàn Trường Thịnh, chủ của Sun Spa Reort về khai thác địa điểm du lịch động Thiên Đường với thời hạn  ban đầu là 10 năm  với giá cho thuê được đề xuất bằng 1% tổng doanh thu từ bán vé cho năm đầu và từ 1,5 – 2% cho các năm tiếp theo.

Hay như Vườn quốc gia Cát Tiên, hiện các hoạt động hợp tác và kinh doanh vẫn do BQL vườn tổ chức thực hiện như tổ chức các tour du lịch trong vườn, ký hợp đồng cho thuê kinh doanh du lịch, chủ yếu hợp tác trong lĩnh vực cung ứng chỗ lưu trú chất lượng cao và nhà hàng... chứ chưa có các hoạt động của tư nhân đầu tư trọn gói.

Thay lời kết

Theo các chuyên gia, một  trong những nguyên tắc chính của phát triển du lịch sinh thái là các hoạt động du lịch không được làm ảnh hưởng đến diễn thế tự nhiên của các hệ sinh thái, đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật, cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hoá của cộng đồng dân cư ở địa phương. Lợi nhuận từ các dịch vụ du lịch sinh thái được tái đầu tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên... Tuy nhiên, trên thực tế lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch hiện vẫn chưa được đầu tư trở lại cho bảo tồn. Nhưng cũng có một thực tế là các DN kinh doanh du lịch gặp rất nhiều khó khăn khi đầu tư cũng như vận hành các tuyến du lịch tại các khu bảo tồn. Chính vì vậy mà sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua những quy định cụ thể, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ đối với DN, địa phương và du khách là điều rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt là cơ chế bảo hộ bản quyền để nhà đầu tư đủ thời gian khai thác, thu hồi vốn, đồng thời ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, dẫn tới việc kinh doanh du lịch tự phát tràn lan và không có trách nhiệm tại các khu bảo tồn. Bởi trên thế giới, nhiều nước đã thực hiện mô hình này và đã mang lại những nguồn thu ngân sách rất lớn.

Một điều chắc chắn rằng, kinh doanh du lịch có trách nhiệm tại các khu bảo tồn trước mắt sẽ mang tới cơ hội lớn cho các khu bảo tồn  như: Đóng góp tài chính cho công tác bảo tồn, thu nhập thay thế cho cộng đồng địa phương, các hoạt động bảo tồn hệ sinh thái thay vì phá hủy, giáo dục môi trường, các cơ hội đầu tư mới... Trong khi đó, với các DN lữ hành, mô hình kinh doanh này sẽ mang lại những giá trị đích thực, trong đó phải kể tới các sản phẩm du lịch mới, xây dựng hình ảnh DN có ý thức tích cực về sinh thái, tỉ lệ khách hàng quay lại và có lợi nhuận lâu dài, giảm chi phí…

Chắc chắn, với vai trò định hướng, khuyến khích các thành viên và cộng đồng DN tham gia đóng góp vì mục tiêu phát triển bền vững, chắc chắn VBCSD sẽ cùng với các cơ quan chức năng, tổ chức quốc tế... hỗ trợ DN áp dụng mô hình và các tiêu chuẩn kinh doanh quốc tế thân thiện với môi trường và mang lại hiệu quả về mặt kinh tế cũng như sinh thái.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp