Buôn bán động vật hoang dã - thách thức lớn đối với bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam

Cập nhật: 31/08/2012
Trong khuôn khổ của Hội thảo “Thúc đẩy truyền thông góp phần đẩy lùi nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép”, do Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam), tổ chức ngày 29/8 tại Hà Tĩnh, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung liên quan đến vấn đề buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới, coi đó là thách thức lớn đối với bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.

* Thách thức lớn về bảo tồn

Việt Nam là một trong số các nước Đông Nam Á có sự đa dạng sinh học cao. Nhưng trong thời gian gần đây diện tích rừng bị thu hẹp lại, nạn buôn bán động vật hoang dã vẫn còn tiếp diễn. Không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra ở các quốc gia trong khu vực và các châu lục khác đã và đang hình thành mạng lưới buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới. Chính vì khu vực sống của các loài động vật hoang dã bị thu hẹp lại, số lượng cá thể giảm nhanh chóng nên nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng cao trên quy mô toàn cầu. Do đó, đa dạng sinh học nói chung và động vật hoang dã của Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với một thách thức lớn về vấn đề bảo tồn.

Trình bày về nguyên nhân dẫn đến tiến triển hoạt động buôn bán động vật hoang dã trong nước và xuyên biên giới, Tiến sỹ Ông Vĩnh An, Trưởng Bộ môn Động vật, Khoa Sinh, Đại học Vinh cho rằng: Nguyên nhân chung dẫn đến vấn nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới diễn biến phức tạp, trên quy mô lớn là do dân số tăng cao, dân trí thấp và đặc biệt là lợi nhuận khổng lồ thu về từ việc kinh doanh các động vật hoang dã và các sản phẩm của nó. Tính trên quy mô toàn cầu, lợi nhuận của việc buôn bán này ước tính khoảng 4,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, yếu tố văn hóa cũng góp phần khuyến khích tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã. Trong giới thượng lưu, nhu cầu này ăn sâu bén rễ tới mức họ sẵn sàng chấp nhận bất cứ mức giá nào để có được các món như sừng tê giác, cao hổ cốt…

Cũng theo Tiến sỹ Ông Vĩnh An, Việt Nam đang là điểm đến và là trạm trung chuyển của nhiều tổ chức tội phạm buôn bán động vật hoang dã. Do lợi nhuận từ việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã mà nhiều loài đang bị tận thu, số lượng bị suy giảm nhanh chóng và đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Phong trào đi săn bắt và buôn bán xảy ra rầm rộ, đối với tất cả loài bò sát (rùa, rắn..). Hàng năm có 10.000 tấn rùa thuộc các loài ra khỏi rừng và bị xuất sang biên giới. Kết quả là Việt Nam có 23 loài rùa cạn và 5 loài rùa nước thì tất cả các loài đều đứng trước nguy cơ biến mất.

Hiện nay tại châu Á, các trang trại gây nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại đang được phát triển mạnh mẽ về số lượng. Mới đây, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS ) đã phối hợp với Cục Kiểm lâm Việt Nam khảo sát trên 78 trang trại gây nuôi tại Việt Nam, nhằm kiểm tra hiệu quả mô hình trang trại gây nuôi động vật hoang dã thúc đẩy công tác bảo tồn quần thể loài trong tự nhiên. Kết quả cho thấy 22 loài hiện đang được gây nuôi tại các trang trại, trong đó có 12 loài bị đe dọa cấp quốc gia, 6 loài bị đe dọa trên toàn cầu, 4 loài được bảo vệ ở cấp quốc gia và 5 loài có tên trong phụ lục I của Công ước quốc tế về Buôn bán các loài động thực vật nguy cấp.

Đại diện Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (WCS) cho rằng: Về mặt lý thuyết, động vật gây nuôi có thể thay thế cho động vật hoang dã nhưng đòi hòi phải có sự kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiểu biết về những tác động của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Trang trại gây nuôi động vật hoang dã sẽ không đem lại lợi ích nào cho công tác bảo tồn nếu vật nuôi không được thả về thiên nhiên; không có các hoạt động nâng cao nhận thức về bảo tồn cho các trang trại. Các trang trại không đóng góp kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn và không có nghiên cứu về bảo tồn nào được thực hiện trên các loài gây nuôi. Các loài vật chỉ thực sự được bảo tồn nếu chúng được thực hiện đúng vai trò của mình trong hệ sinh thái tự nhiên. Như vậy, mục tiêu cuối cùng của bất kỳ nỗ lực bảo tồn nào, trong đó bao gồm các trang trại gây nuôi động vật hoang dã là phải hướng tới tăng cường công tác bảo tồn các loài động vật trong tự nhiên.

* Giải pháp bảo tồn bền vững

Trước tình trạng buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới diễn biến phức tạp khó kiểm soát, Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp để đối phó với những thách thức lớn về công tác bảo tồn đa dạng sinh học và hạn chế tình trạng săn bắt động vật hoang dã. Tiến sỹ Ông Vĩnh An cho rằng: Việt Nam cần đưa ra một số biện pháp cấp bách trong vòng 5 năm tới và đưa vào chương trình hành động quốc gia các nội dung cụ thể như: thu đổi súng săn và các loại dụng cụ săn bắn động vật hoang dã.

Cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm soát các hoạt động săn bắt và buôn bán động vật hoang dã, xây dựng mạng lưới trao đổi thông tin, kiểm soát nguồn gốc, cứu hộ, kiểm dịch và thả lại rừng. Các địa phương tích cực tuyên truyền sâu rộng và nâng cao nhận thức về bảo tồn động thực vật hoang dã. Các đối tượng tham gia công tác quản lý và bảo tồn tài nguyên cần được đào tạo nâng cao năng lực.

Đề xuất giải pháp bảo tồn đối với việc gây nuôi động vật hoang dã ở Việt Nam, đại diện Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam nhấn mạnh: Với năng lực thực thi pháp luật và năng lực giám sát trang trại gây nuôi hiện nay, việc tồn tại song song các trang trại gây nuôi các loài bị đe dọa trên toàn cầu với những quần thể khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển của các loài đó trong tự nhiên là một giấc mơ khó trở thành hiện thực.

Do đó, cơ quan chức năng nên áp dụng nguyên tắc phòng ngừa, trong đó nhìn nhận được mối đe dọa trầm trọng tới công tác bảo tồn các quần thể loài trong tự nhiên của các trang trại gây nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại; cần áp dụng một chính sách bao gồm những nội dung, như nghiêm cấm các trang trại tiến hành gây nuôi các loài được bảo vệ và những loài có nguy cơ bị đe dọa toàn cầu có tên trong Sách đỏ; có những hình phạt nghiêm khắc dành cho những chủ trang trại vi phạm các điều luật bảo vệ động vật hoang dã. Các trang trại phải chịu trách nhiệm về các tài liệu chứng minh nguồn gốc của các con giống được gây nuôi chứ không phải là các cơ quan thực thi pháp luật...

Nhận định về hiệu quả của việc gây nuôi động vật hoang dã, đại diện Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng: Việc thực thi pháp luật kém hiệu quả dẫn tới việc các chủ trang trại động vật hoang dã ngày càng lợi dụng lỗ hổng của pháp luật, dẫn tới sự mất đa dạng sinh học một cách trầm trọng, không thể nào khôi phục được. Nó không chỉ gây tác động về môi trường, mà còn tác động tới hình ảnh quốc gia.

Việc gây nuôi động hoang dã chỉ có thể phát triển một cách hợp lý và bền vững nếu có những biện pháp điều hành chặt chẽ và ngăn chặn người dân tham gia vào các hoạt động trái với pháp luật. Những biện pháp này cần bao gồm quy định buộc người chủ trang trai phải đưa ra bằng chứng xác đáng chứng tỏ con vật của họ là hợp pháp, cũng như quy định cho phép các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, bao gồm cả phạt hành chính hay khởi tố hình sự khi có vi phạm.

Các cơ quan chức năng địa phương cần phải xử lý thận trọng nhưng triệt để, quyết liệt với sự phát triển hoạt động gây nuôi động vật hoang dã như giới hạn những loài động vật được gây nuôi. Các trang trại phải được kiểm tra định kỳ, lưu giữ hồ sơ cũng như xử lý các trường hợp vi phạm. Chủ trang trại phải chứng minh được nguồn gốc của các động vật gây nuôi là đúng luật. Con vật có nghi vấn, không có giấy tờ hoặc không phải đúng con vật được quan sát từ lần kiểm tra trước, cần phải coi là trái phép và tịch thu ngay lập tức. Những trang trại bị nghi hoạt động trái phép cần phải được theo dõi sát sao và nếu có trường hợp vi phạm nghiêm trọng liên quan tới trang trại nào (bao gồm mua bán động vật trái phép), trang trại đó phải bị đóng cửa, chứ không chỉ là xử phạt.

 

Nguồn: monre.gov.vn