Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên

Cập nhật: 18/09/2012
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Đây là vùng văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa các dân tộc Tây Nguyên đang là vấn đề cần được quan tâm và đầu tư.

Sự thay đổi của không gian văn hóa Tây Nguyên

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực để giữ gìn những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên. Có thể thấy rất rõ qua việc đầu tư xây dựng hàng nghìn nhà văn hóa cộng đồng cho các buôn làng, phục dựng lại hàng trăm sinh hoạt văn hóa dân gian, đặc biệt là việc đầu tư cho sưu tầm, biên dịch, nghiên cứu và xuất bản sử thi, mua chiêng để tặng đồng bào các vùng đã không còn lưu giữ được chiêng…

Tuy nhiên, trong công tác bảo tồn vẫn còn nhiều bất cập. Đội ngũ cán bộ quản lý chuyên trách trong công tác này chưa được đào tạo về chuyên môn. Việc tuyên truyền cho nhân dân hiểu được giá trị văn hóa cồng chiêng để tự mình có ý thức cùng nhau gìn giữ, bảo vệ, phát huy nó trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức, chưa cụ thể vẫn còn dựa vào già làng, trưởng buôn...

Trong những năm gần đây, thời kỳ kinh tế - xã hội đang phát triển theo cơ chế thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến phương thức sản xuất, nếp sống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Mặc khác, điều kiện kinh tế của từng gia  đình sau khi tách hộ không còn sống chung trong một căn nhà dài nữa nên không gian sinh hoạt các hình văn hóa cũng bị thu hẹp. Kinh tế gia đình phát triển theo phương thức sản xuất hàng hóa, do đó, cuộc sống của cộng đồng có sự biến đổi và nhu cầu tinh thần hưởng thụ các loại hình văn hóa truyền thống của từng người không còn duy trì nên nhiều gia đình đã bán những bộ chiêng quý để làm vốn sản xuất và giải quyết đời sống khó khăn của gia đình.

Ngoài ra, một số bộ phận bà con dân tộc thiểu số do nghe theo lời xúi dục của phần tử xấu bỏ lễ hội, phong tục tập quán truyền thống, không dùng các loại nhạc cụ dân tộc cụ thể là cồng chiêng.

Bên cạnh đó, địa bàn Tây Nguyên có lượng dân nhập cư lớn, kéo theo đó là sự xuất hiện các nền văn hóa không phải là bản địa. Mức độ phổ cập hóa các phương tiện truyền thông mới như internet cùng nhiều hình thức giải trí mới làm cho mức độ hội nhập quốc tế ở Tây Nguyên gia tăng, cũng khiến nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị ảnh hưởng nhanh hơn. Sự phát triển của các loại hình văn hóa hiện đại, làm cho lớp trẻ nhìn nhận sinh hoạt văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ truyền thống của buôn làng mình là lạc hậu, lỗi thời, không hợp thời đại, do đó không thiết tha, quay lưng lại.

Bảo tồn phải gắn với sinh kế của người dân

Thực tế, những năm sau khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trở thành Kiệt tác Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên đã có nhiều biến chuyển. Việc bảo tồn văn hóa Tây Nguyên trong chính không gian sống của bà con các dân tộc cũng đang được các địa phương chú trọng.

Tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2007 – 2010 đã tổ chức điều tra khảo sát cồng chiêng trên toàn tỉnh, trang bị 128 bộ cồng chiêng cho các nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong các buôn làng, tổ chức 8 lớp truyền dạy đánh chiêng cho 200 con em đồng bào dân tộc...

Tỉnh Đắk Nông cũng đã khôi phục khoảng 30 lễ hội của nhiều tộc người khác nhau, tổ chức trên 100 lớp truyền dạy cồng chiêng, chế tác và sử dụng các nhạc cụ, hát dân ca...

Tại Kon Tum, tỉnh cũng tiến hành duy trì và khôi phục nhà rông truyền thống vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Đến nay, tỉnh Kon Tum có tổng số 530 nhà rông.

Tuy nhiên, theo nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê Kđăm (Đắk Lắk), chúng ta cần có quan niệm đầy đủ hơn về việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, bao gồm cả núi rừng, sông suối, nhà sàn, trang phục, nghề thủ công, ẩm thực, nghệ thuật diễn xướng... Các dự án bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng không chỉ là bảo tồn các giai điệu, nhịp điệu, bài bản của chiêng, hay mua chiêng về phát cho người dân là xong mà điều cần chú trọng chính là bảo tồn môi trường diễn xướng cồng chiêng.

PGS.TS. Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng, việc bảo tồn, phát huy phải đảm bảo hài hòa các yếu tố truyền thống, hiện đại, dân tộc, quốc tế và tránh coi văn hóa các tộc người là một thực thể khép kín, không biến đổi. Do đó, cần tiến hành hoạt động kiểm kê di sản theo tinh thần của Luật Di sản trên tinh thần khoa học, có sự tham gia của người dân, đánh giá tổng thể cả 3 loại hình: vật thể, phi vật thể và nghệ nhân trong bối cảnh sinh tồn của di sản đồng thời phát triển các hình thức bảo tồn, chú trọng các hình thức bảo tồn gắn với cộng đồng, với sinh kế của người dân.

Đẩy mạnh hoạt động của hệ thống bảo tàng các tỉnh Tây Nguyên, coi đây là đầu mối quan trọng trong việc sưu tầm, tư liệu hóa, trưng bày triển lãm, kết nối đô thị với cộng đồng nông thôn.

Đào tạo và bồi dưỡng năng lực quản lý cho các cộng đồng dân cư, trong đó việc phổ biến Luật Di sản văn hóa, các nguyên tắc bảo tồn, các cẩm nang hướng dẫn bảo tồn di sản cho cộng đồng...

Tăng cường giao lưu, phổ biến di sản văn hóa giữa các tộc người, các địa phương với nhau, qua đó, tăng cường niềm tự hào, khả năng thích ứng sự biến đổi cho các cộng đồng địa phương.

Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên là một công việc đòi hỏi một cách làm khoa học và chuyên nghiệp thì mới có hiệu quả lâu dài, bền vững.

Nguồn: VTR